Sau cơn bão khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề, nền kinh tế thế giới đến giữa năm 2009 có dấu hiệu hồi phục nhanh hơn dự báo. Trong đó châu Á được đánh giá là khu vực phục hồi sớm nhất và kinh tế Việt Nam có sự phát triển khá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,32%. Trong bối cảnh ngành tài chính ngân hàng dốc sức đương đầu vượt qua không ít khó khăn thử thách, Ngân hàng An Bình (ABBANK) cũng đã tập trung mọi nỗ lực để có một năm kinh doanh khả quan, hoàn thành xuất sắc 100% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. ABBANK đang từng bước khẳng định vị thế của một thương hiệu uy tín và tiến gần hơn mục tiêu trở thành một trong 10 ngân hàng tốt nhất của nhóm các ngân hàng TMCP Việt Nam.
Vượt khó đi lên
Với sự nỗ lực không ngừng, trong năm qua ABBANK đã duy trì hoạt động an toàn, tăng cường năng lực hoạt động và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tổng vốn huy động trong năm đạt 15.000 tỷ đồng, vượt hơn 125% so với cuối năm 2008, trong đó huy động từ các tổ chức kinh tế chiếm 9.013 tỷ đồng và từ dân cư chiếm 5.951 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này có được do ABBANK đã linh hoạt áp dụng các cơ chế ưu đãi về lãi suất nhằm bảo đảm tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng gửi tiền, đồng thời duy trì các chính sách chăm sóc khách hàng cũng như chú trọng công tác quảng cáo, truyền thông và khuyến mãi.
Đối với các tổ chức kinh tế, ABBANK đã kết hợp tổ chức các sự kiện lớn trong năm như tri ân khách hàng, tặng bảo hiểm, coupon du lịch v.v… giúp tăng thị phần huy động và thu hút nguồn vốn tăng hơn 152% so với cuối năm 2008. Trong khu vực dân cư, nhiều dịch vụ đã được phát triển và làm đa dạng danh mục dịch vụ cá nhân như: thanh toán tiền điện, cước viễn thông, phí bảo hiểm, séc,… Cùng với những chương trình khuyến mại liên tục giúp duy trì ổn định thanh khoản toàn hệ thống, ABBANK cũng xây dựng được một chính sách dịch vụ khách hàng VIP và khách hàng thân thiết nhằm tăng cường sự gắn bó của khách hàng với ngân hàng.
Sau thời điểm cực kỳ khó khăn của năm 2008, bước qua năm 2009 đánh dấu sự tăng trưởng trở lại khá tốt trong hoạt động tín dụng cho vay của ABBANK, đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Việc tăng trưởng tín dụng của ABBANK dựa trên cơ sở áp dụng và tuân thủ đầy đủ thông lệ, chuẩn mực quốc tế và các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sự an toàn. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến 31-12-2009 đạt 12.882 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch cả năm, trong đó khách hàng cá nhân chiếm 3.442 tỷ đồng và khách hàng doanh nghiệp chiếm 9.294 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 59,5%, dư nợ cho vay trung hạn chiếm 19,5% và dài hạn chiếm 21%.
Điều đó cho thấy dù nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn nhưng ABBANK đã hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý là bên cạnh những chính sách điều chỉnh lãi suất phù hợp với thị trường, ABBANK còn áp dụng đầy đủ quy trình thẩm định và tái thẩm định chặt chẽ để giảm thiểu các khoản nợ xấu trong cho vay.
Chiến lược tương lai
Hoạt động thanh toán quốc tế của ABBANK phát triển ngày càng lớn mạnh, tạo được lòng tin đối với khách hàng và các ngân hàng đại lý với nhiều thành tựu: Tỷ lệ điện thanh toán đạt chuẩn rất cao và được các ngân hàng đại lý nước ngoài trao tặng danh hiệu là “Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Xuất sắc”. Thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu cho tất cả cán bộ nhân viên (CBNV) phụ trách trong hệ thống, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển thanh toán quốc tế đến hầu hết chi nhánh và phòng giao dịch (CN-PGD).
Nhờ vậy, doanh số năm 2009 đạt 433,4 triệu USD, vượt kế hoạch 7% và tăng 95% so với năm 2008; phí dịch vụ thu được 1,6 triệu USD, tăng 327% so với năm 2008, đạt 243% so với kế hoạch. ABBANK quản lý và kinh doanh trên nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng, đầu tư tài chính là hoạt động mang tính chiến lược theo định hướng khai thác tiềm năng của các đơn vị liên kết trong hệ thống cùng các đối tác chiến lược khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Maybank, đồng thời chủ động tìm kiếm, khai thác các mảng thị trường tiềm năng mới trong và ngoài nước thông qua hình thức kinh doanh vốn như góp vốn mua/bán cổ phần hay đầu tư dự án.
Năm 2009 cho thấy tính bền vững trong hoạt động đầu tư tài chính của ABBANK thể hiện qua danh mục đầu tư có mức sinh lời ổn định, ít rủi ro và thể hiện nhiều tiềm năng đột phá trong các năm tiếp theo. Với mức lời chiếm trên 12% tổng lợi nhuận, đầu tư tài chính là một trong những hoạt động đóng góp nhiều lợi nhuận cho cả hệ thống bên cạnh các khối kinh doanh ngân hàng truyền thống.
Đặc biệt, với chiến lược “ngân hàng song hành cùng ngành điện Việt Nam”, ABBANK liên tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc thù với mục tiêu đáp ứng cao nhất các nhu cầu từ EVN, các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết cũng như các nhà thầu thi công các dự án điện. Sau hơn 4 năm triển khai hoạt động hợp tác chiến lược với EVN, ABBANK đã hiện thực hóa một phần tiềm năng của cổ đông chiến lược này trên hầu hết hoạt động kinh doanh của ngân hàng: nguồn vốn, tín dụng, dịch vụ thu-chi hộ, đầu tư tài chính, phát triển thương hiệu, thẻ thanh toán tiền điện, thanh toán cước viễn thông…
Những hoạt động hợp tác với EVN đóng vai trò then chốt trong những kết quả rực rỡ của ABBANK, đặc biệt là nâng cao tầm vóc và hình ảnh ngân hàng trên thị trường tài chính. Bên cạnh việc cam kết tài trợ hơn 1.500 tỷ đồng tín dụng cho các công ty điện lực, dự án điện, trong điều kiện nền kinh tế - tài chính diễn biến thiếu tích cực, ABBANK và EVN đã có những bước hợp tác rất quan trọng và hiệu quả về hoạt động nguồn vốn, bảo đảm phục vụ tốt dịch vụ quản lý vốn cho EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời khai thác tối ưu dòng vốn cho ABBANK.
Với tổng nguồn vốn lưu chuyển đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng trên hệ thống ABBANK cùng việc phối hợp chặt chẽ với EVNFinance và các đối tác khác trong vấn đề thu xếp vốn, quản lý dòng tiền, thu hộ tiền điện, cước viễn thông...đã thực sự khẳng định được những thành công lớn đồng thời cũng mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
NHUẬN CÁT – MINH NGUYỄN