Phần lớn các nước ASEAN cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn còn tồn tại sự cạnh tranh quyết liệt về thị trường hàng hóa và đầu tư tiền vốn quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu nhiều hàng công nghiệp và chiếm một phần không nhỏ của tỷ lệ thế giới, từ đó làm cho hàng hóa và sản xuất của các nước ASEAN đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn.
Chưa có ACFTA, ASEAN đã gặp khó khăn
Theo nhà kinh tế Ganeshan Wignaraja thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngoài những lợi ích về đầu tư mà Trung Quốc mang lại thì không riêng gì Indonesia mà các nước khác trong khối ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức như mất việc làm vì không thể nào cạnh tranh nổi với chi phí nhân công của Trung Quốc. Do đó, các công ty phải tăng năng lực sản xuất và phải chọn lựa đất nước nào phù hợp để đặt nhà máy sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất tới mức thấp nhất. Từ đây lại phát sinh một vấn đề khác đó là các công ty đầu tư từ những khu vực khác có thể sẽ chuyển nhà máy từ Đông Nam Á sang Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất.
Lịch sử cho thấy năm 1994, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã chuyển hướng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc. Và, ASEAN tiếp tục thua kém Trung Quốc về thu hút FDI sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Hậu quả là năm 2000, FDI vào ASEAN giảm 10% trong tổng số FDI của châu Á. Những năm sau đó FDI vào châu Á vẫn tiếp tục giảm. Theo một cuộc thăm dò gần đây, 57% công ty Nhật Bản cho biết họ xem Trung Quốc có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn 4 nước ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Nhưng có lẽ thương mại là lĩnh vực đáng ngại hơn đầu tư khi mà hầu hết hàng hóa buôn lậu từ Trung Quốc hiện nay có đích đến là ASEAN. Tại Việt Nam, giày dép nhập lậu từ Trung Quốc chiếm 70%-80% các cửa hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giày dép Việt Nam.
Tương tự, tại Philippines, theo báo cáo của Liên minh thương mại tự do (FTAL), ngành công nghiệp giày nước này cùng với công nghiệp thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề từ hàng hóa của Trung Quốc. Thực tế, phạm vi ảnh hưởng của hàng lậu từ Trung Quốc còn lớn hơn gồm cả các ngành thép, giấy, xi măng, hóa dầu, nhựa và gốm sứ.
Theo FTAL, nhiều công ty có năng lực cạnh tranh toàn cầu của Philippines đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất trước vấn nạn hàng lậu từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho rằng, khi ACFTA có hiệu lực, hàng lậu Trung Quốc sẽ không còn thay vào đó là hàng hóa chính ngạch còn tràn ngập mạnh hơn.
Từ tháng 12-2005, nông dân Thái Lan đã phải “nếm thương đau” sau khi Thái Lan và Trung Quốc thử nghiệm áp dụng hiệp định miễn thuế giữa hai nước. Theo hiệp định này, Thái Lan sẽ xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang Trung Quốc và Trung Quốc sẽ xuất khẩu trái cây ôn đới sang Thái Lan. Thuế của hơn 200 mặt hàng trái cây và rau quả được hai bên miễn thuế. Nhưng chỉ vài tháng sau, hiệp định này đã phải ngừng lại vì phía Thái Lan thiệt hại nhiều hơn là lợi nhuận. Hậu quả là những nông dân trồng tỏi và hành tím ở miền Bắc Thái Lan cũng như các dự án nông nghiệp về trái cây và rau quả gặp khó khăn. Báo chí Thái Lan lúc đó cho biết các quan chức tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc không chịu áp dụng miễn thuế cho hàng của Thái Lan như hiệp định trong khi phía Thái Lan vẫn nghiêm túc thực hiện với hàng Trung Quốc.
Phản ứng mạnh mẽ từ Indonesia
Trong số những lo ngại lớn nhất về ACFTA có lẽ xuất phát từ Indonesia. Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất giày dép ở ngoại ô thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã công khai bày tỏ sự lo ngại trước viễn cảnh hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nước này sau khi ACFTA có hiệu lực ngày 1-1-2010.
Theo ACFTA, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đồng loạt dỡ bỏ hàng rào thuế nhập khẩu đối với 90% các loại sản phẩm để hàng hóa được tự do lưu thông trên thị trường Trung Quốc cũng như thị trường ASEAN. Không chỉ Bộ trưởng Thương mại Indonesia ngại trước nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ mà giới chủ nhà máy ở “xứ vạn đảo” cũng đề nghị chính phủ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono xin hoãn thi hành hiệp định nói trên đối với 228 dòng sản phẩm cho đến năm 2012. Bộ trưởng Công nghiệp nước này cũng lên tiếng ủng hộ đề nghị trên, kèm theo cảnh báo việc thực thi hiệp định có thể dẫn đến tình trạng hàng loạt nhà máy của Indonesia bị phá sản vì hàng Trung Quốc giá rẻ chiếm lĩnh thị trường làm ảnh hưởng tới một số ngành sản xuất trong nước.
Theo giám đốc Viện Phát triển kinh tế và tài chính Indonesia (INDEF), ông Ikhsan Modjo, ACFTA sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ làm giảm chất lượng nền kinh tế, trong đó tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và khoảng cách biệt giàu nghèo sẽ lớn hơn. Theo ông, khoảng 1 triệu người tại Indonesia sẽ mất việc do ACFTA gây ra. Theo ông Ahmad Ansyori, giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm công nhân Jamsotek của Indonesia, nhiều khả năng các công ty tại Indonesia buộc sẽ sa thải khoảng 1,8 - 2,5 triệu công nhân khi ACFTA có hiệu lực.
Theo các cuộc nghiên cứu về tác động của ACFTA tại Indonesia, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành công nghiệp da, may mặc, dệt và thép. Ước tính sẽ có hàng trăm công ty vừa và nhỏ ở Indonesia bị ảnh hưởng từ hiệp định này.
Tổng thống Susilo Yudhoyono tuyên bố ông vẫn ủng hộ ACFTA mà Jakarta đã ký. Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo ở tỉnh Tây Java sau khi có cuộc thảo luận về những vấn đề cấp bách của đất nước với các quan chức cấp cao trong chính phủ, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono thừa nhận việc thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cần được thương thuyết lại để giảm bớt những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế đất nước.
Ông nêu rõ: “Một mặt lợi ích của nhân dân phải được bảo vệ, chúng ta phải củng cố, chuẩn bị các nhân tố trong nước tốt hơn và mặt khác chúng ta phải tiếp tục phát triển sự hợp tác với ASEAN và với các đối tác khác”.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc khi tới thăm Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta đã hội đàm với Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và thông báo Trung Quốc đã sẵn sàng hợp tác với ASEAN để điều chỉnh những gì mà các nước thành viên ASEAN cho là cần thiết nhằm đưa vào thực thi ACFTA.
Hãng tin Antara dẫn lời Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, ông Hatta Radjasa, cho biết Indonesia đã thành lập một nhóm đặc nhiệm với thành viên của nhiều bộ, ngành khác nhau để phối hợp làm việc và sớm đưa ra dự đoán về những bất lợi cho các ngành nghề trong nước trước tác động của việc thực thi ACFTA và kế hoạch thuế ưu đãi chung (CEPT) thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Theo ông Hatta, nhóm đặc nhiệm được kỳ vọng có thể nâng cao hiệu quả những nỗ lực bảo vệ thị trường nội địa trước nạn buôn lậu và phát huy vai trò trong việc bảo vệ và theo dõi sự lưu thông hàng hóa trong nước. Ông cho biết nhóm này sẽ phải đảm bảo rằng tất cả hàng hóa và dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia về y tế, an ninh và môi trường; theo dõi việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và những nỗ lực khác để bảo vệ người tiêu dùng cũng như dự báo trước tình trạng gian lận thương mại có thể xảy ra.
KHÁNH MINH (Theo Antara, Asia Times, AsiaNewsNet)
Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Sức mạnh kinh tế mới từ châu Á