AEC - Cơ hội và thách thức

Cuối năm 2015, dự kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành. AEC tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và hợp tác khu vực được tự do khơi thông. Theo EastAsiaforum, cơ hội của AEC mang đến cho nền kinh tế ASEAN là rất lớn nhưng bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ. Trong đó, phải kể đến bài toán về thị trường lao động của ASEAN.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, 40% lao động của ASEAN hoạt động trong nông nghiệp, 19% hoạt động trong các ngành công nghiệp và 41% làm việc trong các ngành dịch vụ. Các quốc gia có lao động làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm đa số hiện nay là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi các nước như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines và Indonesia lại chọn dịch vụ là ngành ưu tiên để phát triển kinh tế. Xét trên phương diện mỗi quốc gia, nền kinh tế của các nước ASEAN đã cho thấy sự khác biệt.

Để chuẩn bị cho việc dịch chuyển thị trường lao động ở AEC, ASEAN đã thiết lập thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) đối với 8 loại hình nghề nghiệp (kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh và các nghề liên quan đến du lịch). Trên nguyên tắc, MRAs cho phép các quốc gia thành viên công nhận bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của các lao động được đào tạo giữa các quốc gia để các lao động được dễ dàng di chuyển cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú… từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong quá trình đưa lao động ra các nước trong khu vực.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2025, 10 năm sau khi AEC hình thành, việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, giao thông, xây dựng tại 6 quốc gia: Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam có thêm 6 triệu việc làm, Indonesia (thêm 1,9 triệu) và Campuchia (thêm 1,1 triệu).

Song song với những thay đổi theo ngành nghề nói trên, nhu cầu việc làm cần kỹ năng cũng sẽ tăng nhanh. Đối với những lao động thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới đó. ILO cho rằng chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp tại các nước ASEAN sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp, có chuyên môn và năng suất cao từ các nước trong khu vực để bù đắp vào những thiếu hụt ở các vị trí tại doanh nghiệp mình.

Theo EastAsiaforum, các nhà hoạch định chính sách tại ASEAN cần  xây dựng các chiến lược cụ thể về lao động để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh nguồn nhân lực của mình. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo kỹ năng nguồn nhân lực để có trình độ chuyên môn cao, việc nâng cao sức hấp dẫn hình ảnh các doanh nghiệp cũng là điều kiện quan trọng để thu hút lực lượng lao động có kỹ năng đến từ các nước trong khu vực. Sự cạnh tranh về nguồn nhân lực có kỹ năng giữa các quốc gia trong AEC là điều xảy ra trong tương lai gần. Nếu quốc gia nào nắm bắt được nhiều cơ hội hơn thì việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể sẽ không còn là bài toán quá khó khăn.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục