Từ những vụ xăng pha aceton, rau Thanh Trì, sữa “bột” tươi…

Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Trong năm 2006, văn phòng khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 khiếu nại của nguời tiêu dùng, có những khiếu nại có giá trị lớn như ô tô, có những giá trị nhỏ nhưng phổ biến như đồ uống (sữa…).

Tuy nhiên, một đất nước có trên 80 triệu dân nhưng số vụ khiếu nại chỉ đạt đến con số 1.000 vụ/năm là quá ít.

Ai bảo vệ người tiêu dùng? ảnh 1

Chọn mua hàng khuyến mãi.
Ảnh: CAO THĂNG

Theo Vinastas, một nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng thường “nản chí” khi đeo đuổi các vụ khiếu nại là tình trạng các cơ quan chức năng “đùn đẩy” trách nhiệm, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng (được ban hành từ năm 1999) đã trở nên lỗi thời.

Một ví dụ cụ thể tình trạng này là vụ nhập khẩu xăng có chứa aceton. Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng đã cam kết thu hồi toàn bộ số xăng có aceton và bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Vinastas nêu băn khoăn: Liệu người tiêu dùng bình thường có được bồi thường hay không vì không có bằng chứng là mình đã mua xăng có aceton.

Thực phẩm không an toàn cũng đang là mối lo ngại của người tiêu dùng. Cụ thể như vụ rau Thanh Trì (Hà Nội) bị ô nhiễm. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến hiện trường và chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ. Nhưng cho đến nay, người tiêu dùng vẫn không dám chắc là rau Thanh Trì có an toàn hay không bởi chưa có kết luận thống nhất của các cơ quan chức năng.

Thậm chí, trong văn bản trả lời cho Vinastas, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định: trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm thuộc về Bộ NN-PTNT (?!).

Tương tự đối với sản phẩm “sữa tươi”, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lừa dối người tiêu dùng bằng cách ghi nhãn “sữa tươi” hoặc “sữa nguyên chất” đối với loại sữa nước được hoàn nguyên từ sữa bột.

 Bộ Y tế đã xác định việc ghi nhãn đối với sữa nước là sai nhưng Bộ này cũng từ chối việc kiểm tra, làm rõ mức độ thiệt hại của người tiêu dùng do doanh nghiệp ghi sai nhãn hàng hóa, buộc doanh nghiệp phải bồi hoàn thiệt hại vì “nội dung này không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Thương mại) nhấn mạnh đến khía cạnh khá mới trong công tác bảo vệ người tiêu dùng: năm 2007, trở thành thành viên chính thức của WTO, người tiêu dùng cũng sẽ phải đối mặt với những tiêu cực trên thị trường. Nhiều loại hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta.

Vì vậy, đã đến lúc, một bộ luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất và tăng cường tính thực thi pháp luật, tránh tình trạng, nhiều bộ cùng quản lý, nhưng đến khi phát sinh khiếu nại thì không ai giải quyết.

ĐINH LAN

Tin cùng chuyên mục