Ai Cập chưa yên

Hãng AFP ngày 26-12 dẫn nguồn tin từ Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập (ESEC) cho biết trong đợt trưng cầu dân ý đợt 2 ngày 22-12 vừa qua, gần 64% cử tri Ai Cập đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới gây tranh cãi. Cũng trong ngày 26-12, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ký ban hành hiến pháp mới. Tình hình đất nước Kim tự tháp dường như tiếp tục đứng trước nguy cơ bất ổn mới. 
Ai Cập chưa yên

Hãng AFP ngày 26-12 dẫn nguồn tin từ Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập (ESEC) cho biết trong đợt trưng cầu dân ý đợt 2 ngày 22-12 vừa qua, gần 64% cử tri Ai Cập đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới gây tranh cãi. Cũng trong ngày 26-12, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ký ban hành hiến pháp mới. Tình hình đất nước Kim tự tháp dường như tiếp tục đứng trước nguy cơ bất ổn mới. 

Các chuyên gia quan ngại biểu tình sẽ tiếp tục xảy ra tại Ai Cập thời gian tới.

Các chuyên gia quan ngại biểu tình sẽ tiếp tục xảy ra tại Ai Cập thời gian tới.

Chính trường chia rẽ

Chủ tịch ESEC Samir Ahmed Aboul-Maaty, cho biết cơ quan này đã điều tra nghiêm túc cáo buộc của phe đối lập về những hành vi gian lận trong 2 đợt trưng cầu dân ý diễn ra hôm 15 và 22-12 và không phát hiện bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

Sau khi kết quả được thông báo, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil tuyên bố bản hiến pháp trên phục vụ người dân Ai Cập và kêu gọi tất cả lực lượng chính trị hợp tác với chính phủ.

Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục tái khẳng định không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên. Thủ lĩnh Mặt trận cứu quốc, ông Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho rằng việc thông qua dự thảo hiến pháp mới sẽ thể chế hóa sự bất ổn tại Ai Cập. Theo ông, hiến pháp chỉ nên coi là tạm thời cho đến khi một dự thảo hiến pháp khác được soạn thảo dựa trên sự đồng thuận giữa tất cả các bên. Khaled Daoud, người phát ngôn của Mặt trận cứu quốc, phe đối lập chính tại Ai Cập, coi cuộc trưng cầu dân ý này chỉ là một trận đánh và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì nhân dân Ai Cập.

Chính vì sự chia rẽ trong chính trường Ai Cập hiện nay mà nhiều chuyên gia quan ngại rằng các cuộc biểu tình thậm chí là xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi và phe đối lập sẽ còn tiếp diễn tại thủ đô Cairo trong thời gian tới. Giáo sư Paul Sullivan, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về Ai Cập và Trung Đông tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định rằng quốc gia Bắc Phi đang đứng trước nguy cơ rơi vào bất ổn kéo dài bởi cốt lõi là một cuộc xung đột tư tưởng sâu sắc giữa các phe phái đang diễn ra tại Ai Cập.

Việc thông qua hiến pháp mới sẽ cho phép Ai Cập tổ chức bầu cử Hạ viện dự kiến trong vòng 2 tháng tới. Cơ quan lập pháp này đã bị Tòa án Hiến pháp tối cao giải tán hồi tháng 6 vì cho rằng việc tổ chức bầu cử đi ngược hiến pháp (cũ). Bước vào cuộc bầu cử mới có nghĩa Ai Cập tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh giành quyền lực mà chưa biết bao giờ chấm dứt để ổn định tình hình đất nước.

Kinh tế suy giảm

Ehad al-Desouky, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Sadat, cho biết vấn đề Chính phủ Ai Cập cần giải quyết ngay lúc này là nền kinh tế đang ngày một èo uột của Ai Cập. Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Ai Cập đã khiến cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s đánh tụt mức tín nhiệm tín dụng dài hạn của nước này.

Theo thông báo mới đây của Thủ tướng Hisham Qandil, thâm hụt ngân sách Ai Cập đã ở mức báo động, lên tới 42%. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Ai Cập đang suy giảm. Trong khi đó, các báo cáo chính thức khác cho rằng mức thâm hụt này có thể dao động 30-32,5 tỷ USD trong năm tài chính hiện nay nếu tình hình hỗn loạn tại Ai Cập vẫn tiếp tục. Ông Desouky cho rằng các chính sách kinh tế do nội các hiện nay đề ra là không có sức thuyết phục và không rõ ràng. Do vậy, khi hiến pháp mới ra đời cần phải tiến hành ngay một cuộc cải tổ nội các mới có thể làm thay đổi một cách tích cực tình hình kinh tế Ai Cập. Ai Cập hiện đang cố gắng để nhận được khoản vay 4,8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một thỏa thuận đang bị đe dọa bởi những bất ổn hiện nay của nước này.

Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Hamdy Abdel-Azeem, thuộc Đại học Cairo cho rằng hiến pháp mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định, giúp giành lại lòng tin của khách du lịch và giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Abdel-Azeem cảnh báo, tình hình kinh tế Ai Cập trong tương lai gần sẽ tùy thuộc vào phe đối lập.

Trong tuần diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Ai Cập (EGX) tăng 2,2 tỷ USD nhờ sức mua tăng của các nhà đầu tư Ảrập và nước ngoài, dấu hiệu cho thấy một Ai Cập ổn định thời hậu trưng cầu dân ý có thể có một thị trường vốn mạnh mẽ hơn.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục