Ai Cập lại chia rẽ sau “Mùa xuân Arập”

Người biểu tình ủng hộ chính phủ Ai Cập ngày 1-12 đã xuống đường ủng hộ dự thảo hiến pháp mới vừa được phê duyệt. Trong ngày 1-12, một phái đoàn của Hội đồng lập hiến (CA) sẽ tới gặp Tổng thống Mohamed Morsi để trình tổng thống bản dự thảo vừa thông qua. Sau đó, ông Morsi dự kiến sẽ kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng 2 tuần tới. Nhiều khả năng sẽ xảy ra các vụ đụng độ giữa phe ủng hộ và những người chống chính phủ vốn đã biểu tình trước đó.
Ai Cập lại chia rẽ sau “Mùa xuân Arập”

Người biểu tình ủng hộ chính phủ Ai Cập ngày 1-12 đã xuống đường ủng hộ dự thảo hiến pháp mới vừa được phê duyệt. Trong ngày 1-12, một phái đoàn của Hội đồng lập hiến (CA) sẽ tới gặp Tổng thống Mohamed Morsi để trình tổng thống bản dự thảo vừa thông qua. Sau đó, ông Morsi dự kiến sẽ kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng 2 tuần tới. Nhiều khả năng sẽ xảy ra các vụ đụng độ giữa phe ủng hộ và những người chống chính phủ vốn đã biểu tình trước đó.

  • “Anh em Hồi giáo” lên tiếng

Theo Reuters, Ủy ban soạn thảo hiến pháp (DCP) với 85 thành viên là người Hồi giáo (15 thành viên khác thuộc lực lượng Thiên Chúa giáo và tự do đã rút lui) đã vội vã thông qua 230 điều trong bản dự thảo hiến pháp trước khi tòa án ra phán quyết về việc giải thể ủy ban này vào ngày 2-12. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý xong, nếu hiến pháp mới được thông qua sẽ bầu quốc hội và tổng thống. Phong trào Anh em Hồi giáo (MB), lực lượng chính trị lớn nhất hiện nay tại Ai Cập đã kêu gọi biểu tình ủng hộ chính phủ, tức ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi, người của MB. Phong trào này còn phát động chiến dịch vận động người dân Ai Cập ủng hộ đưa Ai Cập thành nhà nước Hồi giáo.

Quảng trường Tahrir, Cairo lại chật cứng người biểu tình chống chính phủ.

Quảng trường Tahrir, Cairo lại chật cứng người biểu tình chống chính phủ.

Các cuộc biểu tình ngày 1-12 diễn ra sau khi các cuộc biểu tình chống lại dự thảo biến thành bạo lực ở thành phố bên bờ Địa Trung Hải Alexandria. Những người biểu tình hô vang “tự do, từ bỏ dự thảo hiến pháp”. Tại quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo, một triệu người đổ về biểu tình phản đối dự luật Hiến pháp được DCP do MB chiếm đa số thông qua.

Tổng thống Morsi bị xem là người đã “đánh cắp những thành quả của Mùa xuân Arập” khi ông chủ trương đưa Ai Cập từ nước do quân đội điều hành sang nhà nước Hồi giáo. Những người từng xuống đường lật đổ ông Mubarak cáo buộc ông từ bỏ dân chủ, đưa Ai Cập đến một giai đoạn chuyên quyền mới. Lực lượng an ninh tăng cường xung quanh các cơ sở chính của chính phủ, đặc biệt là trụ sở của đảng Công lý và Tự do (FJP) trực thuộc MB, đồn cảnh sát và nhà tù, sau khi một số văn phòng của FJP bị tấn công trong cuộc đụng độ gần đây.

  • Phe tự do đứng giữa ngã rẽ

Bản dự thảo hiến pháp mới của Ai Cập do MB soạn thảo dĩ nhiên chủ trương đưa Ai Cập theo chính sách nhà nước Hồi giáo mà trong đó các chương đều mang đậm dấu ấn của các nguyên tắc Hồi giáo. Dự thảo hiến pháp trao quyền nhiều hơn cho các giáo sĩ Hồi giáo giám sát luật, hạn chế tự do ngôn luận, quyền phụ nữ và nhiều quyền khác. Mặc dù vậy, do lo ngại có sự phản đối, nó cũng chưa đến mức yêu cầu áp dụng luật Hồi giáo hà khắc Shariah như thành phần Hồi giáo cực đoan mong đợi. Tuy nhiên, Essam el-Erian, đại diện của MB, phát biểu trên tờ Guardian rằng: “Bản dự thảo hiến pháp này đại diện cho tất cả người dân Ai Cập, nam, nữ, chủng tộc, tôn giáo đều có tiếng nói trong đấy”.

Lực lượng theo xu hướng tự do, trong đó có nhiều nhóm đóng vai trò chính trong việc lật đổ Tổng thống Mubarak đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Nếu tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý bản hiến pháp thì họ có nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, nhưng nếu tham gia trưng cầu dân ý và vận động người dân bỏ phiếu chống, họ có thể sẽ thất bại. Tiến sĩ Mohamed ElBaradei cho biết ông rất buồn với tình hình chia rẽ hiện nay của Ai Cập và dự báo bản dự thảo hiến pháp sẽ không tồn tại lâu. “Nó chỉ là một trò chơi chính trị và sẽ sớm vào sọt rác của lịch sử”, ông ElBaradei nói. Lực lượng đối lập theo khuynh hướng tự do của ông ElBaradei- Mặt trận cứu nguy quốc gia- cho biết ủy ban soạn thảo hiến pháp đã mất tư cách pháp lý vì cố tình áp đặt chính sách của mình vào bản dự thảo hiến pháp, xa rời lợi ích quốc gia. 

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục