Israel gia tăng tấn công
Trước đó, hãng tin Nga TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện đang ở Moscow và đã được Nga cấp quy chế tị nạn. Nguồn tin cho hay: “Ông Assad cùng các thành viên gia đình đã tới Moscow. Nga đã cấp quy chế tị nạn cho họ vì lý do nhân đạo”. Cũng theo TASS, các nguồn tin ngoại giao từ hai quốc gia Arab tiết lộ phe đối lập vũ trang Syria đã cam kết đảm bảo an toàn cho các phái bộ ngoại giao tại Damascus, thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9-12 bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ láng giềng và hòa bình với các lực lượng mới nổi lên ở Syria. Cùng ngày, các máy bay chiến đấu Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào các địa điểm quân sự và an ninh của Chính phủ Syria trước đây ở trong và xung quanh thủ đô Damascus, cũng như các mục tiêu ở tỉnh Quneitra phía Tây Nam nước này.
Các cuộc không kích chớp nhoáng trên cho thấy nỗ lực của Israel nhằm củng cố quyền kiểm soát các vị trí chiến lược quan trọng và vô hiệu hóa trước mọi cơ sở hạ tầng quân sự còn sót lại có liên quan đến chính quyền Syria trước đây, tránh để rơi vào tay lực lượng nổi dậy ở Syria.
Máy bay phản lực của Israel đã tấn công các cơ sở lưu trữ, vốn từng được Sư đoàn 4 hiện đã không còn tồn tại sử dụng, gần một trung tâm nghiên cứu ở ngoại ô Damascus cũng như một cơ sở quân sự cũ khác ở vùng núi phía Đông Syria giáp với Lebanon.
Khuyến nghị chuyển giao quyền lực
Phản ứng trước những diễn biến mới tại Syria, Phái đoàn Nga tại LHQ đã đề nghị tổ chức khẩn cấp cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về tình hình Syria. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh chính người dân Syria mới là người quyết định tương lai đất nước họ và đặc phái viên của LHQ về Syria Geir Pedersen sẽ hỗ trợ tiến trình này.
Ban Thư ký Liên đoàn Arập (AL), các nước Trung Quốc, Iran, Cuba đồng quan điểm để người dân Syria quyết định tương lai đất nước, bao gồm hệ thống chính quyền. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết nước này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria.
Về phía Mỹ, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang nỗ lực tìm kiếm cách thức đối phó với những tình huống mới phát sinh ở Trung Đông. Mỹ có khoảng 900 binh sĩ tại Syria, bao gồm cả lực lượng làm việc với đồng minh người Kurd ở vùng Đông Bắc do phe đối lập kiểm soát nhằm ngăn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ông Biden cho biết dự định duy trì lực lượng này, đồng thời tuyên bố lực lượng Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích chính xác vào các trại và hoạt động của IS tại Syria.
Bà Lahib Higel, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu ở Brussels, Bỉ cho rằng có rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải vào lúc này. Câu hỏi cấp bách nhất có lẽ là liệu phe nổi dậy có thể đảm bảo an ninh ở thủ đô và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn khi đất nước đang trong khoảng trống quyền lực.
Theo bà Lahib Higel, tình hình hiện tại ở Syria có thể được so sánh với Iraq năm 2003, khi lực lượng Mỹ chấm dứt chế độ cai trị lâu dài của ông Saddam Hussein. Sự lạc quan ban đầu về tiến trình dân chủ trong hòa bình nhanh chóng trở nên tồi tệ. Nạn cướp bóc hoành hành khắp thủ đô Baghdad, bất ổn và bạo lực gia tăng, cuối cùng dẫn tới cuộc nội chiến giáo phái tàn khốc.