Ai Cập lâm thế khó

Ngày 11-2 năm ngoái, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức, chấm dứt 30 năm cầm quyền chỉ sau 18 ngày đỉnh điểm của các cuộc nổi dậy. Từ đó, quyền điều hành đất nước thuộc về Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA).

Khi CSFA tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước, người dân Ai Cập hân hoan, kỳ vọng lực lượng này sẽ nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự nhưng điều đó đến nay vẫn chưa được thực hiện trong khi bạo loạn ở Ai Cập ngày càng nghiêm trọng.

Gần nhất là thảm kịch trên sân bóng khiến ít nhất 74 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương. CSFA còn làm phật ý người dân bằng những biện pháp thô bạo. Quân đội Ai Cập bị cáo buộc xâm phạm phụ nữ tham gia biểu tình bằng cách kiểm tra trinh tiết của họ. Những tổ chức nhân quyền của phương Tây liên tiếp đưa ra số liệu: CSFA đã bắt giữ 12.000 người dân, giết hại hàng chục người tham gia biểu tình ngay tại thủ đô Cairo.

Những điều ở trên cũng là cái cớ để Mỹ và phương Tây tiến hành nước cờ chính trị của mình đối với Ai Cập. Dù vẫn cần sự hiện diện của quân đội Ai Cập nhưng điều Mỹ cần là một lực lượng đủ mạnh để giúp Mỹ đánh bại Al Qaeda. Lực lượng này không ai khác ngoài tổ chức Anh em Hồi giáo với đại diện là đảng Công lý và Tự do (có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập) đã giành 47,18% số ghế tại Hạ viện. Mỹ mong muốn một thỏa thuận chung giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và chính quyền quân sự Ai Cập. Dựa trên thỏa thuận này, Ai Cập sẽ trở thành trung tâm kiểm soát của Mỹ đối với lực lượng Hồi giáo ở Bắc Phi và khu vực Trung Đông. Thế nhưng, không dễ gì CSFA chấp nhận điều này.

Thủ tướng Ai Cập Kamal Ganzouri (do CSFA lựa chọn) nhấn mạnh sẽ làm rõ vụ 43 nhân viên của các tổ chức phi chính phủ, trong đó có 19 người Mỹ đã có hành vi tài trợ bất hợp pháp vào Ai Cập để chi phối, gây ảnh hưởng đến nền chính trị nước này. Nếu bị buộc tội, những người này có thể chịu 5 năm tù.

Kể từ khi bất ổn chính trị xảy ra từ năm 2011, kinh tế Ai Cập, đặc biệt là ngành du lịch, có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu du lịch năm 2011 chỉ đạt 9,5 tỷ USD, thấp hơn 25% so với năm 2010. Đến cuối tháng 11-2011, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ai Cập đã giảm mạnh từ khoảng 36 tỷ USD cuối năm 2010 xuống 20 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Ai Cập cho rằng nền kinh tế này cần khoảng 5 tỷ USD cho nhập khẩu mỗi tháng.

Đầu năm 2012, Ngân hàng Thế giới cho biết, Ai Cập đã yêu cầu vay 1 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế.

Kết quả bầu cử Quốc hội vừa qua đã trực tiếp nói lên ý nguyện của người dân, những người đã tham gia biểu tình. Bầu cử Tổng thống Ai Cập sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Nhưng việc khôi phục lòng tin, đưa Ai Cập thoát khỏi bóng tối lại cần nhiều hơn một cuộc bỏ phiếu.

Tròn một năm sau biến động chính trị, người dân Ai Cập dần nhận ra họ vẫn chưa tìm được điều họ cần. Thay vì tình hình được cải thiện, hướng đến nền kinh tế và chính trị như mong muốn thì họ dường như đang hứng chịu sự kiểm soát khắc nghiệt từ quân đội, theo sau đó là những mưu toan chính trị. Và họ vẫn phải đối diện với tham nhũng, giá nhiên liệu quá cao… 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục