Các cuộc biểu tình chống chính phủ Ai Cập bước đầu cho thấy, đã có tác động một phần tới Tổng thống Hosni Mubarak. Sau khi giải tán chính phủ, Tổng thống Mubarak đã bổ nhiệm Giám đốc tình báo quốc gia Ai Cập vào vị trí Phó Tổng thống, vị trí được cho là có nhiều khả năng thay thế tổng thống.
Lần đầu tiên Ai Cập có Phó Tổng thống
Điều đặc biệt trong suốt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Mubarak là Ai Cập chưa hề có phó tổng thống. Do đó, việc ông Omar Suleiman tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống là diễn biến khá bất ngờ. Ngoài ra, ông Mubarak cũng đã bổ nhiệm Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ahmed Shafiq làm tân Thủ tướng nước này. Tướng Shafiq từng là chỉ huy không quân và được chính giới ở Ai Cập, kể cả phe đối lập, tôn trọng.
Tuy nhiên, các động thái mới của Tổng thống Mubarak không được lực lượng đối lập đánh giá cao. Hiện ông Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho rằng việc bổ nhiệm phó tổng thống và thủ tướng mới không đủ để chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay. Ông hối thúc Tổng thống Mubarak rời Ai Cập càng sớm càng tốt vì lợi ích của đất nước.
Ngày 30-1, các cuộc biểu tình bạo động tại trung tâm thủ đô Cairo đã bước sang ngày thứ sáu với tổng số người chết lên trên 100 người và số người bị thương là 1.100 người. Tại quảng trường Tahrir, trung tâm của những người biểu tình, hơn 200 người tiếp tục bị xe tăng bao vây, nhưng những xe tăng này chưa có hành động gì với họ. Theo AFP, đến sáng 30-1, đã có thêm nhiều người kéo về quảng trường này. Mặc dù chủ nhật là ngày bắt đầu tuần làm việc mới ở Ai Cập, nhưng mọi công sở, ngân hàng và trường học tại Cairo vẫn tiếp tục đóng cửa.
Đêm 29-1, trụ sở của đảng Dân chủ quốc gia (NDP) cầm quyền và Câu lạc bộ báo chí quốc gia (NPC) ở trung tâm Cairo đã bị phóng hỏa. Đây là lần thứ hai trong bốn ngày qua trụ sở của NDP bị người biểu tình đốt. Rất may Bảo tàng Quốc gia Ai Cập ở bên cạnh tòa nhà NPC không bị ảnh hưởng. Khoảng 5.000 tù nhân Ai Cập đã trốn khỏi một nhà tù tại Fayyoun Govenorate. Quân đội đã kéo dài lệnh giới nghiêm tại thủ đô Cairo và các thành phố Alexandria, Suez từ 16 giờ đến 8 giờ ngày hôm sau.
Cộng đồng quốc tế phản đối bạo lực
Nhìn chung, trong những ngày qua, thái độ của các nước đối với tình hình Ai Cập có khác nhau. Một số nước công khai ủng hộ Tổng thống Mubarak, một số nước lại cho rằng Ai Cập cần cải cách chính trị mạnh hơn nữa. Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã gọi điện thoại bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mubarak, đồng thời chỉ trích “những thế lực can thiệp vào tình hình an ninh và ổn định của Ai Cập”. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cũng gọi điện cho ông Mubarak và bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập, hy vọng nước này sẽ vượt qua tình trạng bất ổn hiện nay một cách an toàn. Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ quan ngại trước tình trạng bất ổn chính trị ở Ai Cập và cân nhắc khả năng hành động khi cần thiết.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt bạo lực và đổ máu ở Ai Cập, thúc đẩy tiến trình cải cách cần thiết. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan kêu gọi Tổng thống Ai Cập Mubarak đối thoại với công chúng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp nhóm an ninh quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ai Cập. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã nhắc lại lời kêu gọi người biểu tình tại Ai Cập tránh bạo lực, đồng thời đề nghị chính quyền Cairo đẩy mạnh cải cách mạnh hơn thay vì chỉ thành lập chính phủ mới. Tại Jordan, hàng chục người tụ tập trước cửa Đại sứ quán Ai Cập tại Amman để bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình của người dân Ai Cập.
Khánh Minh