Ngày 28-11, cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội mới với dự kiến có khoảng 40 triệu cử tri tham gia vòng bầu cử này. Tuy nhiên, cuộc bầu cử bị lu mờ vì những xáo trộn chính trị và mối đe dọa bạo động đang tiếp diễn trên toàn quốc.
Cuộc bầu cử chia rẽ
Đây là nhận định của hãng tin AFP. Trước thềm diễn ra bầu cử đã có nhiều lo ngại về tình hình an ninh khi tại Ai Cập vẫn tiếp tục diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ lâm thời. Chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, các tay súng đeo mặt nạ đã đặt vật liệu gây nổ đường ống dẫn khí đốt tới Israel ở phía Bắc bán đảo Sinai. Cơ quan ứng phó khẩn cấp của Ai Cập nhanh chóng đến hiện trường kiểm soát ngọn lửa. Hiện chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại. Đường ống này cung cấp phần lớn nhu cầu khí đốt cho Jordan và Israel. Israel sản xuất 40% lượng điện từ khí tự nhiên, trong đó, 43% lượng khí đốt nước này nhập khẩu từ Ai Cập.
Trong ngày đầu tiên, tiến trình bầu cử được thực hiện nghiêm túc. Chưa có báo cáo về sơ suất hay lỗi kỹ thuật nào xảy ra. Theo Ủy ban Bầu cử Ai Cập, có 50 đảng tham gia tranh cử lần này. Trong đó, đảng Dân tộc Dân chủ cầm quyền NDP có số ứng cử viên tranh cử đông nhất với 832 người. Tiếp theo là đảng Al-Wafd, Tổ chức anh em Hồi giáo và 14 đảng nhỏ khác. Vòng bầu cử lần này sẽ chọn lựa 498 đại biểu trong Hạ viện. 10 đại biểu còn lại sẽ do Chủ tịch Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA), ông Hussein Tantawi, chỉ định. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức làm 4 vòng, vào các ngày 28-11, 14-12, 3-1-2012, 10-1-2012. Dự kiến, kết quả bầu cử sẽ được công bố vào ngày 13-1. Bầu cử Thượng viện bắt đầu từ ngày 29-1-2012 và kết thúc vào ngày 11-3-2012.
Hoài nghi
Bà Mona Abdel, một trong nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu tại quận Shubra ở Cairo, cho biết: “Vòng bầu cử cũng chẳng mang lại thay đổi gì. Tiếng nói của chúng tôi vốn đã không được xem trọng”. Đó cũng chính là tâm trạng của đại đa số các cử tri Ai Cập. Họ băn khoăn về tương lai chính trị của đất nước sau khi đã bị vỡ mộng về một đường lối cải cách thật sự sau “Mùa xuân Ảrập”. Mối quan tâm lớn nhất của cử tri Ai Cập hiện nay là các vấn đề cơ bản của cuộc sống hàng ngày như điều kiện đảm bảo y tế, giấy phép xây dựng nhà cửa hay bánh mì trợ giá.
Theo giới quan sát, cơn giận dữ của dân chúng Ai Cập tăng lên do tiến trình cải cách chậm chạp và có những phỏng đoán rằng các viên tướng quân sự đang cầm quyền sẽ lấn át chính phủ dân sự trong tương lai. Nếu tình trạng hỗn loạn tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội ở quốc gia này.
Trước những diễn biến phức tạp diễn ra tại Ai Cập, Chủ tịch CSFA Hussein Tantawi buộc phải thừa nhận nước này đang ở ngã ba đường. Ông tuyên bố: “Hoặc chúng ta thành công cả về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, hoặc chúng ta sẽ chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng và chúng tôi không cho phép điều đó”. Ông thúc giục ứng cử viên tổng thống hàng đầu ElBaradei và Amr Moussa ủng hộ người được chỉ định làm Thủ tướng, ông Kamal Ganzouri, 78 tuổi, để củng cố lòng tin ở người dân.
THANH HẰNG
- Thông tin liên quan:
>> Ai Cập bắt đầu tổng tuyển cử
>> Bầu cử Ai Cập: Nền dân chủ được sắp đặt
>> Ai Cập sẽ bầu cử Tổng thống vào cuối tháng 6-2011
>> Chính phủ mới từ chức - Ai Cập lại rơi vào hỗn loạn
>> Nội các Ai Cập từ chức nhưng biểu tình vẫn tiếp diễn