Thư Brussels

Ai cũng muốn nghỉ ngơi!

Khởi sự cũng từ một lá thư, giọng điệu người bạn thật tiếc nuối: “Đáng lẽ sau đó tớ đi Rome như kế hoạch nhưng phải hủy vì Paris bị đình công lớn. Đi sợ không về được, kẹt lại ở Rome thì nguy, tiếc gì đâu! Về đến Pháp tàu điện ngầm cũng tê liệt, không dám đi đâu. Nói chung chuyến đi vừa rồi không thuận lợi chút nào…”.

Khởi sự cũng từ một lá thư, giọng điệu người bạn thật tiếc nuối: “Đáng lẽ sau đó tớ đi Rome như kế hoạch nhưng phải hủy vì Paris bị đình công lớn. Đi sợ không về được, kẹt lại ở Rome thì nguy, tiếc gì đâu! Về đến Pháp tàu điện ngầm cũng tê liệt, không dám đi đâu. Nói chung chuyến đi vừa rồi không thuận lợi chút nào…”.
 
“Bạn ơi, ở đất nước Bỉ xinh đẹp này, chồng tôi ngày nào cũng đi làm từ 6 giờ sáng để tránh tắc đường, hy vọng chiều được về nghỉ sớm. Còn Paris - thủ đô ánh sáng, người ta đang biểu tình phản đối chính sách tăng tuổi làm việc từ 60 lên 62. Thêm có 2 năm mới được nghỉ hưu, vậy mà căng thẳng đến thế!”.

Chị Phạm Dương đang sống ở ngoại ô Paris (cách trung tâm khoảng 30km) kể: “Mấy ngày đình công căng thẳng lắm, cảnh tượng hỗn loạn tại trung tâm Paris thật khủng khiếp. Người biểu tình liên tục đốt ô tô, đập vỡ cửa kính nhà hàng… Khổ nhất là dòng người xếp hàng mua xăng tăng đột biến. Người biểu tình muốn đánh vào các phương tiện đi lại nên xăng cũng không được bán nhiều như trước”.

Một số người Việt khác ở Paris cũng kể dịp này nếu không có việc gì cấp bách thì hạn chế vào trung tâm thành phố, đặc biệt khu làm việc của Quốc hội - nơi tụ tập đông người biểu tình. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là giới sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt ở Paris, những người phải sử dụng hàng ngày phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe bus.

Mỹ Dung, cô bạn đang học tiến sĩ tại Pháp than: “Em ở đây đã hơn 5 năm, mỗi khi có đình công lại lo ngay ngáy. Tháng trước em dùng tiền học bổng tích cóp mua chiếc Vespa giá 1.700 EUR để chạy cho chủ động đối phó với đình công. Nhưng vừa mua được vài tuần đã bị một nhóm côn đồ giật mất. May mà chúng còn quẳng lại cho giấy tờ tùy thân”.

Vậy đấy, người lao động ở các nước phát triển ngày càng muốn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chẳng giống ở Việt Nam mình nhỉ? Ở TPHCM quanh năm nắng ấm, tôi nhớ ngẫu hứng muốn cắt tóc, ra tiệm có thợ phục vụ ngay. Bỗng nhiên muốn ăn bún phở lúc nửa đêm, xuống phố vài phút là ấm bụng.

Còn ở đây, phải gọi điện và xếp lịch hẹn cắt tóc trước cả tháng, răng có đau buốt cũng phải chờ nha sĩ cả tuần! Chủ nhà hàng món ngon Việt ở Brussels mới đây quyết định đóng cửa buổi tối, chỉ phục vụ bữa trưa. Lý do vì “khách đến rải rác chứ không đông đều, thuê nhân công cả ngày quá tốn kém nên tôi đóng cửa từ chiều”. Chẳng riêng gì cửa hàng của chị, mới 3 - 4 giờ chiều, nhiều dịch vụ đã đóng cửa, dù là công hay tư.
 
Tôi lại cũng có nghe một vài người cao tuổi ở Brussels than thở trước đây họ chăm chỉ, nỗ lực làm việc nhiều hơn giới trẻ hiện tại. Phải chăng nhịp sống năng động ở châu lục già đã đến lúc thoái trào? Còn châu Á năng động, tươi trẻ thì khác. Sức trẻ hừng hực ở châu lục đông dân nhất thế giới này đang khát khao chứng tỏ khả năng chinh phục mọi đỉnh cao.

Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng đúng là ai cũng muốn có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, đặc biệt là ở châu Âu. Thời đại công nghiệp, cụm từ “nghỉ ngơi” bỗng trở thành xa xỉ, bạn nhỉ?

KIỀU BÍCH HƯƠNG (từ Bỉ)

Tin cùng chuyên mục