Xung đột kéo dài 16 tháng qua tại Syria chưa có hồi kết. Trong khi nhiều người đang mòn mỏi trông chờ thời khắc hòa bình đến với Syria, không ít người đang đi tìm câu trả lời cho thắc mắc: ai, thế lực nào gây ra tình trạng bất ổn tại Syria?
Nhìn từ bên ngoài, căng thẳng tại Syria là cuộc đối đầu giữa lực lượng nổi dậy đối lập Hội đồng dân tộc Syria (SNC) với Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo những gì thủ lĩnh SNC Abdel Basset Sayda trao đổi với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc đối thoại tại Mátxcơva ngày 11-7, sẽ không có đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria nếu Tổng thống Assad không ra đi.
Mỹ và phương Tây đồng quan điểm với SNC. Tại hội nghị Những người bạn của Syria cuối tháng 6 vừa qua, Mỹ và các đồng minh của mình tuyên bố Syria cần phải thay đổi chế độ, thành lập một chính phủ chuyển tiếp tiến tới bầu cử công bằng, dân chủ đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria… nhưng “không có Assad”. Vì vậy, Mỹ làm đủ mọi cách gia tăng sức ép ông Assad phải từ bỏ quyền lực mà mới nhất, ngày 12-7, Mỹ đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết mới lên HĐBA LHQ yêu cầu trừng phạt Syria.
Từ trước đến nay, Mỹ cùng đồng minh bác bỏ mọi sáng kiến hòa bình của các lực lượng khác nếu như không cùng mục tiêu lật đổ ông al-Assad. Trước đó 2 ngày, Nga cũng đệ trình lên HĐBA LHQ một dự thảo nghị quyết vấn đề Syria nhằm hỗ trợ nỗ lực của ông Kofi Annan nhưng lại không có trừng phạt Syria. Vì vậy điều dễ hiểu Mỹ và đồng minh trong HĐBA không đồng ý. Trong dự thảo nghị quyết của mình, Nga muốn gia hạn sứ mệnh của phái đoàn LHQ tại Syria, trong khi đó, dự thảo nghị quyết của Mỹ khẳng định nỗ lực vãn hồi hòa bình cho Syria đã thất bại và giờ phải trừng phạt nước này. Người ta cũng thấy rõ Mỹ không hề mặn mà với lộ trình hòa bình mà ông Kofi Annan mang tới Syria. Sáng kiến mời Iran tham gia giải quyết vấn đề Syria mà ông Kofi Annan đề xuất cũng bị Mỹ bác bỏ.
Báo New York Times của Mỹ tháng 6 vừa qua cho đăng tải thông tin đáng chú ý, các hoạt động của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đang giúp tuồn các loại vũ khí như súng chống tăng, súng trường tự động… hỗ trợ cho các nhóm đối lập ở Syria. Mặc dù người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney sau đó đã bác bỏ thông tin trên, Aaron David Miller - học giả nghiên cứu về Trung Đông thuộc trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington - nhận định “thật ngạc nhiên nếu Mỹ không tìm cách tăng cường sự hiệu quả cho phe nổi dậy Syria”. Không có gì khó để trả lời câu hỏi tại sao phe nổi dậy nhất định không chịu đàm phán và ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan.
Rõ ràng việc Mỹ và phương Tây ủng hộ phe đối lập trong cuộc xung đột mà Mỹ gọi là đem đến công bằng và dân chủ cho người dân Syria chỉ là ngụy trang cho mục tiêu duy nhất là lật đổ ông Assad? Nhưng cái đích cuối cùng của phương Tây không chỉ vậy. Ép Tổng thống Assad phải ra đi để tiến tới kiểm soát nước này, từ đó cô lập Iran và từng bước nhổ “cái gai” Iran trong mắt mình. Và như thế cuối cùng họ sẽ kiểm soát toàn bộ vùng Trung Đông đầy bí ẩn và giàu tài nguyên dầu mỏ mà bất cứ đời tổng thống Mỹ nào cũng mơ tới.
Đỗ Văn