Mặc dù luôn tự hào về tài ngoại giao khéo léo, loại bỏ đối đầu để tránh xảy ra chiến tranh, nhưng đất nước Thái Lan đã rơi vào tình trạng hỗn loạn cao độ, phân cực sâu sắc và đang tiến đến bờ vực của một cuộc nội chiến. Nhìn lại lịch sử Thái Lan từ thế kỷ 20 đến nay, rõ ràng quân đội có vai trò chính trị rất lớn trong nội bộ và họ đã tiến hành 18 cuộc đảo chính để lật đổ không chỉ các chính phủ dân cử mà cả nhà vua.
Triền miên các cuộc đảo chính quân sự
Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến, đứng đầu là vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX) lên ngôi từ năm 1946, vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung. Ngày 10-2-1932 vua Prachadhipok, chú của vua Bhumidol hiện nay, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Thái Lan. Ngày 24-6-1932, vua Prajadhipok bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu và thay bằng chế độ quân chủ lập hiến.
Thực tế, nền móng của ngai vàng đã bị lung lay kể từ sau cái chết của vua Chulalongkor vĩ đại vào năm 1910. Lúc hoàng tử Bhumibol sinh ra tại Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ) năm 1927 đó là lúc chế độ quân chủ của Thái Lan đang trên đà suy vong. Năm 1935, bị tước quyền, vua Prajadhipok đã trút bỏ mọi trách nhiệm của triều đại Chakri lại cho Ananda Mahidol (Rama VIII) (anh của vua Bhumidol, lúc đó mới 10 tuổi).
Trong thực tế vua Rama VIII chỉ ngồi cho có trên chiếc ngai vàng tại Bangkok, còn quyền lực thực tế đều tập trung vào tay tướng Luang Phibun Songkhram, một người ngưỡng mộ Napoleon và những phần tử phát xít đang nổi lên ở châu Âu. Tháng 12-1938, tướng Luang Phibun Songkram trở thành Thủ tướng của Thái Lan. Năm 1945, sau chiến tranh Thế giới thứ hai, tướng Luang Phibun Songkram bị luận tội ủng hộ phát xít và bị lật đổ.
Ngày 9-6-1946, Quốc vương Rama VIII bị chết một cách bí ẩn và em trai của ông, Bhumibol Adulyadej, lên nắm quyền. Ngày 8-11-1947, một vụ đảo chính khác đưa tướng Phibun Songkram trở lại nắm quyền và Thái Lan mở ra một giai đoạn mới: quân đội nắm quyền kéo dài đến năm 1973. Ngày 20-10-1977, một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu do Đô đốc Sangad Chaloryoo tiến hành, đưa ông Kriangsak Chomanan lên làm thủ tướng.
Ngày 9-9-1985, các quan chức quân sự về hưu đã tiến hành một cuộc đảo chính, nhưng thất bại. Ngày 23-2-1991, tướng Sunchinda Kraprayoon đã lật đổ chính phủ dân sự của Thủ tướng Chatichai Choonhavan trong một cuộc đảo chính không đổ máu, lập lên một chính quyền quân sự được gọi là Hội đồng Duy trì Hòa bình quốc gia. Tháng 5-1992, chính quyền của Thủ tướng Sunchinda kết thúc khi binh sĩ bắn chết ít nhất 20 người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Bangkok.
Năm 2001 tại Thái Lan đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên sau Hiến pháp 1997. Cuộc tổng tuyển cử này được dư luận đánh giá là cởi mở nhất, minh bạch nhất (không tham nhũng) trong lịch sử Thái Lan, và đưa ông Thaksin Shinawatra lên làm thủ tướng. Chính phủ được bầu ra sau đó cũng là chính phủ đầu tiên trong lịch sử Thái đã hoàn tất nhiệm kỳ 4 năm.
Tuy nhiên, đến cuộc bầu cử năm 2005, đã xuất hiện nhiều cáo buộc gian lận. Đầu năm 2006, những cáo buộc về tình trạng tham nhũng gây sức ép lớn, bắt buộc đương kim Thủ tướng Thaksin Shinawatra phải kêu gọi một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Mặc cho phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử nhưng Thaksin Shinawatra lại tái đắc cử.
Mâu thuẫn mỗi ngày một tăng. Ngày 19-9-2006, một hội đồng quân sự đã tiến hành lật đổ chính phủ Thaksin, hủy bỏ Hiến pháp, giải tán Quốc hội và tòa án. Chính quân đội đã tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng dân cử Thaksin vào năm 2006 để lên cầm quyền trong khoảng 1 năm. Cuộc tổng tuyển cử hồi cuối năm 2007 đã đưa những người thân cận với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin trở lại chính quyền. Sau đó, các thành phần đối lập đã tổ chức biểu tình rầm rộ đòi lật đổ chính phủ mà đỉnh cao là cuộc chiếm đóng hai sân bay Bangkok trong hơn 1 tuần lễ vào cuối năm 2008.
Như vậy, từ năm 1932 đến nay, Thái Lan đã có 17 lần sửa đổi Hiến pháp và cũng có chừng đó số vụ đảo chính quân sự của 20 đời thủ tướng.
Im lặng – nghệ thuật ứng xử của quốc vương
Cứ mỗi lần xảy ra khủng hoảng, người dân Thái Lan lại trông về nhà vua Bhumibol Adulyadej, người đã nắm vương quyền tại quốc gia này trong suốt hơn 60 năm qua và cũng là người đã giúp Thái Lan đoàn kết, vượt qua những xáo động thường xuyên xảy ra ở nước này.
Nhiều người Thái tin rằng, vua Bhumibol Adulyadej có thể lèo lái sự phát triển hiện đại của đất nước và can thiệp nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng mà nước này phải hứng chịu. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đất nước đang xảy ra những cuộc xung đột căng thẳng nhưng nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong lịch sử Thái Lan hiện đại vẫn giữ im lặng. Tuần trước, Chavalit Yongchaiyudh, cựu thủ tướng từng viết đơn thỉnh cầu vị vua 83 tuổi, có động thái ngăn chặn tình trạng rối loạn này.
Trên thực tế, nhà vua Bhumibol có ảnh hưởng rất lớn tới người dân Thái Lan bởi dân Thái coi ông như một vị thánh. Thái Lan có một nền văn hóa mà tôn giáo và hoàng gia hòa quyện vào nhau, vị vua 83 tuổi này đã rất cẩn trọng trong việc sử dụng vai trò chăm lo tới thần dân của mình và đã giúp điều tiết những biến động chính trị và xã hội tại Thái Lan trong suốt 6 thập kỷ qua.
Vua Bhumibol đã can thiệp để ngăn chặn đổ máu trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1973. Sau khi các vụ bạo động bùng phát tại một trường đại học ở Bangkok, Quốc vương Bhumibol đã yêu cầu thủ tướng lúc đó và các tùy tùng của ông này rời khỏi đất nước. Và họ đã tuân lệnh. Nếu đức vua thực tế có liên quan đến cuộc đảo chính theo một cách nào đó, thì đây cũng không phải là lần đầu tiên ông can thiệp vào lịch sử chính trị bất ổn của Thái Lan.
Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất (được phát trên truyền hình Thái Lan) trong thời kỳ trị vì của đức vua là khi ông chấm dứt bạo lực năm 1992 bằng cách chỉ nói vài từ nhẹ nhàng với hai thủ lĩnh của hai phe đối đầu nhau. Năm 1992, hàng chục người đã bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người trên đường phố Bangkok để yêu cầu lập lại luật dân sự (sau khi một thành viên của chính quyền quân sự lúc đó là tướng Suchinda Kraprayoon lên nắm quyền thủ tướng mà không qua bầu cử).
Quốc vương Bhumibol khi đó đã triệu tập tướng Suchinda và các lãnh đạo ủng hộ dân chủ tới cung điện, khiển trách họ và yêu cầu hòa giải. Ngay sau đó, tướng Suchinda Kraprayoon đã chấp nhận từ chức. Cả hai sự kiện trên chỉ kéo dài trong vài ngày. Gần đây nhất, ngày 25-4-2006, khi nhà vua công khai khiển trách các quan tòa của Tòa án tối cao, ra lệnh cho họ phải phá vỡ sự bế tắc chính trị đã nảy sinh nhiều cuộc biểu tình trên đường phố do kết quả của cuộc bầu cử không minh bạch (ông Thaksin đã giành chiến thắng áp đảo do phe đối lập đã tẩy chay bầu cử). Các quan tòa sau đó đã hủy bỏ kết quả bầu cử và ra lệnh tổ chức cuộc bầu cử mới.
Bất chấp những thay đổi và biến động trong lịch sử chính trị gần đây, giới quan sát cho rằng vua Bhumibol vẫn có một sức mạnh to lớn. Từ trước đến nay, mỗi khi tình hình chính trị Thái Lan lâm vào tình trạng bế tắc, vua Bhumibol - vốn rất kín đáo và ít xuất hiện - lại “có ý kiến”.
Vua Bhumibol không bao giờ nói thẳng hoặc đưa ra chỉ đạo cụ thể nào cả. Đức vua Bhumibol rất thận trọng và không bao giờ quá công khai liên quan tới chính trị của Thái Lan, thông thường chỉ là cái gật đầu rất nhẹ hay sự xuất hiện chốc lát trên truyền hình là đủ để tình thế xoay chuyển. Ông không bao giờ có sự can thiệp một cách rõ ràng.
Trên thực tế, người dân Thái Lan tin rằng, nếu đức vua can thiệp thì đó hiển nhiên là hành động cần phải làm. Uy tín của vua Bhumibol trong dân chúng Thái Lan cho đến nay vẫn được coi là một quyền lực mạnh nhất mà chưa có thế lực chính trị nào vượt qua được. Đó là lý do vì sao, rất nhiều nhà phân tích Thái Lan nói rằng, ít nhất, đức vua đã “che chở” cho cuộc đảo chính diễn ra đêm thứ ba, lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Kể từ khi phe áo đỏ xúc tiến chiến dịch biểu tình chống Chính phủ Thái Lan trong hơn 2 tháng qua, chỉ một lần vua Bhumibol lên tiếng kêu gọi những thẩm phán mới được bổ nhiệm giúp ổn định tình hình đất nước.
Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này không có dấu hiệu dịu bớt, thì Paul Handley, chuyên gia nghiên cứu hoàng gia Thái Lan cho rằng nhà vua được Hiến pháp trao quyền ra sắc lệnh giải tán Quốc hội nhưng ông chưa bao giờ làm thế nếu không có sự tán đồng của chính phủ cầm quyền. Vì vậy, chính phủ vẫn phải tự quyết việc thu xếp một thỏa thuận với những người biểu tình.
XUÂN HẠNH – VIỆT ANH
(Tổng hợp từ Bangkok Post, AP, AFP)