Kể từ khi Wikileaks bắt đầu tung 90.000 trang tài liệu về cuộc chiến tranh ở Afghanistan, một vấn đề rất được dư luận hết sức quan tâm: Wikileaks lấy thông tin từ đâu? Đây là câu hỏi mà an ninh Mỹ đang ráo riết đi tìm câu trả lời.
- Nghi ngờ cả đồng minh
Theo “Asia Times Online”, Iran khẳng định Israel là thủ phạm đứng sau vụ tiết lộ các điện tín ngoại giao của Mỹ trên Wikileaks. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phỏng đoán tương tự. Theo 2 nước trên, Israel được hưởng lợi nhiều nhất từ vụ rò rỉ thông tin. Khi những bức điện ngoại giao mật được tung ra, thế giới biết rằng đa số các nước Arab đều ủng hộ Mỹ mạnh tay với Iran, vài nước còn đề nghị Mỹ tấn công Iran. Trong khi trước đó, nguyên thủ quốc gia các nước Arab luôn công khai tuyên bố không ủng hộ một cuộc chiến chống Iran trong khu vực.
| |
Israel không chỉ hoan hỉ với tiết lộ này mà còn lợi dụng được ảnh hưởng của những thông tin khi thấy các nước trong khu vực Trung Đông quan tâm đến Iran hơn vấn đề hòa bình Trung Đông, cụ thể là lộ trình hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như việc thành lập nhà nước Palestine độc lập. Israel chớp lấy ngay thời cơ vì biết rằng họ có làm gì thì các nước Arab cũng chỉ phản ứng yếu ớt. Do đó họ quyết định xây tiếp các khu định cư Do Thái ngay trên vùng tranh chấp Đông Jerusalem, nơi Palestine chọn làm thủ đô của nhà nước Palestine độc lập.
Dư luận cho rằng Israel đã thắng khi các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thông báo đêm 7-12 rằng, Washington “đã đi đến quyết định vào thời điểm hiện nay, việc gia hạn lệnh ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái không phải là cơ sở tốt nhất để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp (Israel-Palestine)”. Israel cũng hiểu rõ rằng chính quyền Washington đang đau đầu với Wikileaks và ông chủ của nó nên chắc không dồn hết sức cho một “áp phe” kéo dài hàng chục năm không thành.
Thổ Nhĩ Kỳ có lý do để “nghi ngờ” Israel vì trong một vài bức điện tín, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bị mô tả là người không đáng tin. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel lâu nay rạn nứt nghiêm trọng do nước này thường hay chỉ trích Israel. Ngoài ra còn có một số bằng chứng khác củng cố nghi ngờ này, ví dụ như người sáng lập Wikileaks Julian Assange đã nói tốt về ông Netanyahu trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Time. Tuy nhiên, Israel không phải “nghi phạm” duy nhất trong vụ tiết lộ các điện tín mật. Ngay cả Nga hiện cũng bị cho là “nguồn tin” với nhiều cáo buộc bất lợi cho Mátxcơva.
Trong khi đó, mạng tin “Global Research” ngày 13-12 đăng bài viết của nhà kinh tế Michel Chossudovsky, Giáo sư trường Đại học Ottawa (Canada), lại đưa ra suy luận hoàn toàn trái ngược về việc ai thực sự đứng đằng sau vụ Wikileaks. Theo giáo sư Chossudovsky, các bức điện mật ngoại giao do Wikileaks tiết lộ gần đây đã được các phương tiện truyền thông chủ lưu như tờ New York Times, Guardian, Spiegel biên tập cẩn thận. Đây là một phần của thỏa thuận giữa một số tờ báo lớn của Mỹ và châu Âu với “ông chủ” Wikileaks Julian Assange.
Câu hỏi quan trọng là ai đang kiểm soát và giám sát việc lựa chọn, phân phối và biên tập những tài liệu được tiết lộ cho công chúng? Những tiết lộ trên Wikileaks đã được sử dụng để bào chữa cho một số chương trình đối ngoại của Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ và chống lại Iran. Chúng cũng đang được sử dụng để tạo sự chia rẽ giữa Iran với Arab Saudi và các nước Arab khác trong vùng Vịnh.
Sau khi Wikileaks tiết lộ rằng một số nước Arab quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran và đã thúc giục Mỹ có hành động quân sự để kiềm chế Tehran, Ngoại trưởng Mỹ, Clinton đã chớp lấy cơ hội này và nói rằng các bức điện bị tiết lộ cho thấy cộng đồng quốc tế có cùng chung quan ngại với Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran và rằng Iran tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.
Theo Giáo sư Chossudovsky, mối quan hệ giữa CIA với giới truyền thông Mỹ đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu. Tờ New York Times có mối quan hệ gần gũi không chỉ với tình báo Mỹ, mà cả với Lầu Năm góc và gần đây là Bộ An ninh Nội địa. Những thông tin nhằm đánh lạc hướng đối phương được đưa ra trên các phương tiện truyền thông. Giới truyền thông Mỹ đang trở thành cơ quan phát ngôn chính sách đối ngoại của Mỹ và trở thành công cụ trong cuộc chiến tuyên truyền của nước này.
Điều đó giải thích lý do tại sao tờ New York Times đột nhiên muốn “tăng cường” tính minh bạch và sự thật trên các phương tiện truyền thông bằng việc hỗ trợ Wikileaks. Bề ngoài, không có gì chứng minh rằng Wikileaks là một chiến dịch bí mật của CIA. Tuy nhiên, dựa trên mối quan hệ gắn kết của giới truyền thông với tình báo Mỹ, đây là một câu hỏi còn để ngỏ.
- Kẻ tội đồ hay anh hùng?
Đến thời điểm hiện tại, Bradley Manning là cái tên duy nhất bị chính quyền Mỹ bắt giữ với cáo buộc cung cấp thông tin cho Wikileaks. Việc buộc tội Manning diễn ra sau khi sau khi Adrian Lamo, một cựu thành viên của Wikileaks, tiết lộ những trao đổi giữa ông này và Manning.
Theo những gì Lamo công bố, Manning đã tải 250.000 tài liệu từ SIPRNET (hệ thống mạng máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ dùng để trao đổi thông tin mật đã được phân loại) rồi gửi cho Lamo. Trong 250.000 tài liệu đó có một bản sao video cảnh một máy bay Mỹ tấn công ở Baghdad, Iraq hồi tháng 7-2007 làm 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 phóng viên Hãng Reuters. Khi trao đổi với Lamo, Manning đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với những chính sách ngoại giao của Mỹ. Theo Lamo, trước khi quyết định cung cấp những thông tin cho ông, Manning đã trằn trọc nhiều đêm do bị ám ảnh bởi những hình ảnh tàn sát người vô tội.
Theo Guardin, hiện binh nhì 23 tuổi này đang bị biệt giam tại một căn cứ quân sự ở Quantico, bang Virginia (Mỹ). Đã có rất nhiều tin đồn cho rằng việc Manning không hợp tác với các nhà điều tra và bị khảo cung bằng cực hình. Theo David House, một nhà nghiên cứu về IT thường đến thăm Manning 2 lần/tháng, sức khỏe của binh nhì này hiện bắt đầu suy giảm. Bradley Manning đang chờ ngày ra tòa án binh. Nếu bị buộc tội, Manning sẽ phải ngồi tù tới 52 năm.
Hiện đã xuất hiện dư luận trái chiều về việc giam giữ Manning. Những người ủng hộ việc bắt giữ Manning cho rằng Manning là kẻ phản bội tổ quốc khi cung cấp những thông tin làm nguy hại an ninh quốc gia. Trong khi đó, cũng có nơi đang ca ngợi việc tiết lộ của Manning là hành động anh hùng, giúp dư luận hiểu rõ về những việc làm phi nghĩa của chính phủ Mỹ
ĐỖ VĂN - VIỆT TRUNG
Ngay sau khi được tại ngoại hôm thứ sáu, ông Julian Assange, người sáng lập Wikileaks đã tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng để làm sạch tên tuổi của ông và khẳng định tiếp tục công việc của mình: nghĩa là công bố tiếp những tài liệu mật. Giữa rừng đèn flash nhấp nháy bên ngoài Tòa án Luân Đôn, Julian Assange bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người trên thế giới đã ủng hộ ông và đội ngũ của ông. Ông cũng cho biết rất lo ngại việc Mỹ chuẩn bị khởi tố ông về tội gián điệp và việc Mỹ đã thành lập đại bồi thẩm đoàn để điều tra cũng như nghiên cứu các biện pháp để có thể khởi tố ông. |