“Các phần tử khủng bố đang tìm cách tạo ra những chuỗi ngày kinh hoàng trên toàn lãnh thổ Iraq, với việc sát hại hàng trăm người mỗi lần bằng việc kích nổ đồng loạt các trái bom tự tạo”, một nhà ngoại giao tại Baghdad nhận xét như vậy sau khi Chính phủ Iraq công bố số người thiệt mạng riêng trong tháng 7-2013 đã lên tới gần 1.000 người, thiệt hại nặng nhất kể từ tháng 4-2008.
Đẫm máu và khốc liệt
Mới đây, ngày 11-8, nhóm Al-Qaeda “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant” thừa nhận gây ra hàng loạt vụ tấn công làm gần 80 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Trước đó, ngày 23-7, một cuộc tấn công quân sự của Al-Qaeda nhằm vào 2 nhà tù quan trọng nhất Iraq và có từ 500 - 1.000 tù nhân đã chạy thoát, trong số đó có nhiều lãnh đạo cốt cán của Al-Qaeda.
Những vụ cướp phá nhà tù lớn ở Iraq, Libya và Pakistan khiến nhiều người thêm khẳng định về khả năng phối hợp giữa các nhóm khủng bố với vai trò “đầu đàn” của mạng lưới Al-Qaeda. Việc Mỹ, Anh, Pháp và Đức đóng cửa đại sứ quán tại Yemen cho thấy chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP) vẫn là mối đe dọa thường trực đối với an ninh khu vực. Các nước phương Tây không ngần ngại gia tăng mức báo động về nguy cơ tấn công khủng bố trong tháng 8 này.
Gần đây nhất, Ayman al-Zawahiri - thủ lĩnh hiện nay của Al-Qaeda - đã thề rằng sẽ tìm mọi cách để giải phóng các tù nhân ở nhà tù Guantanamo của Mỹ, đồng thời lên tiếng chỉ trích việc sử dụng máy bay không người lái. Nhà tù Guantanamo được cho là có nhiều “duyên nợ” với các thủ lĩnh của AQAP, trong đó có Ibrahim al-Asiri - “bộ não” chế tạo bom của AQAP.
Báo Le Figaro (Pháp) cho rằng các vụ tấn công đẫm máu đồng loạt nhằm vào 2 nhà tù quan trọng nhất tại Iraq đã chứng minh tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq (AQI) đã quay trở lại với những hành động rất đáng lo ngại. Nhật báo này khẳng định, cho dù chưa khôi phục được lực lượng bằng quân số của năm 2006 (khoảng 12.000 phần tử theo đánh giá của Mỹ) nhưng sự thành công của những hành động táo bạo gần đây đã giúp mạng lưới này tuyển mộ thêm hàng ngàn thành viên thiện chiến, mở rộng thêm lực lượng. Báo Arutz Sheva (Israel) cho rằng, mạng lưới này đã trở nên lớn mạnh hơn sau 12 năm chiến đấu với phương Tây. Cuộc tấn công mới nhất và hết sức tinh vi này của nhánh Al-Qaeda tại Iraq càng củng cố những phát hiện trong một nghiên cứu của tổ chức RAND, theo đó, 13 năm kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush bắt đầu “cuộc chiến chống khủng bố”, Al-Qaeda thực tế đang lớn mạnh.
Thay đổi chiến lược
Việc Mỹ rút quân từ cuối năm 2011, trong khi các lực lượng an ninh Iraq không đủ phương tiện và kinh nghiệm để chống khủng bố như quân đội Mỹ, đã tạo thời cơ lớn để Al-Qaeda tận dụng. Chỉ sau vài tháng, Al-Qaeda đã tìm cách trỗi dậy bằng cách thu hút sự ủng hộ của các nhóm Hồi giáo cực đoan khác và tuyên bố trên internet rằng chúng đang mở một chiến dịch bạo lực mới mang tên “Vụ gặt của các đội quân”.
Năm 2008, Al-Qaeda chỉ có chân rết ở 7 hoặc 8 quốc gia, mạng lưới này ngày nay đã mở rộng đến 15 nước. Yemen, Nigeria, Tunisia, Libya, Nigeria hay Moritania đã được bổ sung vào danh sách nêu trên và thậm chí ở Bắc Mỹ, một số âm mưu khủng bố cũng đã bị phát hiện và vô hiệu hóa. |
Trên thực tế, các chính phủ phương Tây đã gây tổn thất nghiêm trọng cho Al-Qaeda từ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan năm 2002, đến các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái ở Pakistan và Yemen, sự can thiệp quân sự của Pháp tại Mali và vụ ám sát trùm khủng bố Osama Bin Laden. Với 98% số vụ tấn công của Al-Qaeda từ năm 1998 - 2011 diễn ra bên ngoài phương Tây, phần nào chứng minh mối đe dọa trực tiếp của Al-Qaeda với các nước phương Tây đã bị kiềm tỏa. Việc đập tan trung tâm Al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan đã khiến nhiều nhánh của nhóm này thay đổi chiến lược và mục tiêu hoạt động như làm việc độc lập, nhận chỉ thị gián tiếp từ Al-Qaeda trung ương do Ayman al-Zawahiri dẫn đầu. Sự thay đổi chiến lược này cho phép “thương hiệu” Al-Qaeda lan tỏa và hiệu quả hơn nhiều. Ví dụ, Al-Qaeda ở Bắc Phi đã dính líu vào các cuộc tấn công nhằm vào người phương Tây, trong đó có vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi làm đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng.
“Mùa xuân Arập” cũng đã là một đòn chí tử giáng vào Al-Qaeda, nhưng mạng lưới này đã biết tự tái sinh, “tầm gửi” vào các sự kiện và những nhu cầu nội tại của các nước. Tại Syria, cũng như tại Ai Cập, Libya và cả Tunisia, các phần tử thánh chiến đang tập hợp hàng ngàn chiến binh tạo sức mạnh cho các lực lượng khủng bố.
Mối đe dọa thường trực
Sự kiện Mỹ đóng cửa cùng một lúc hơn 20 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài do những lo ngại về an ninh cho thấy những khó khăn của Mỹ phải đối mặt trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố vốn đang trỗi dậy và mở rộng phạm vi hoạt động. 12 năm của cuộc chiến khốc liệt chống lại chủ nghĩa khủng bố do cựu Tổng thống Mỹ Georges Bush và sau đó là Tổng thống Barack Obama tiến hành vô hình trung đã mang lại hậu quả là các mạng lưới khủng bố không còn tập trung ở Afghanistan hay Pakistan nữa mà như một khối u ác tính, nó đã di căn sang toàn bộ khu vực Trung Đông và châu Phi. Sau tuyên bố vào tháng 5-2013 rằng Al-Qaeda “đang trên đường tan rã”, chính quyền Mỹ lại phải lập tức thừa nhận rằng họ đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố mới, có tính lan tỏa rộng hơn và khó xác định hơn.
Tổ chức New America Foundation cho biết, tại Pakistan, hơn 2.300 tay súng và thường dân đã chết do các vụ tấn công của máy bay không người lái trong nhiệm kỳ của ông Obama; tại Yemen, 88 vụ không kích đã được tiến hành theo mệnh lệnh của Tổng thống Obama. Những hoạt động này của Mỹ tạo ra thêm mảnh đất màu cho Al-Qaeda tuyển dụng nhiều chiến binh khi tổ chức này đã biết lợi dụng phản ứng chống lại Mỹ.
HÒA TÂM (tổng hợp)