Alan Mulally - “canh bạc” của Ford Motor?

NGHĨA NHÂN
Alan Mulally - “canh bạc” của Ford Motor?

Thuê nhân tài, trả lương cao ngất trong lúc khó khăn - đó là những gì mà Ford Motor đang làm được dư luận rất quan tâm. Thế nhưng, việc đánh cược số phận của “một con người liều lĩnh, một công ty liều lĩnh có thể làm nên những điều liều lĩnh và bất ngờ” hay không? Đây là câu hỏi đang đặt ra cho Ford Motor.

Alan Mulally - “canh bạc” của Ford Motor? ảnh 1

Alan Mulally (trái) trong buổi ra mắt các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: T. Liệu

Được biết, sau khi rao bán Aston Martin đang ăn nên làm ra, Ford Motor đã có động thái hết sức bất ngờ là thuê cựu giám đốc điều hành hãng máy bay nổi tiếng thế giới Boeing, Alan Mulally, một người ngoại đạo về xe hơi về thay thế chắt trai của người sáng lập tập đoàn Henry Ford, đứng vào vị trí chịu nhiều áp lực: giám đốc điều hành.

Quyết định của ban lãnh đạo Ford khiến báo chí Mỹ cùng giới phân tích công nghiệp ô tô đặt nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, tại sao Ford lại chọn Alan Mulally - một người không có nhiều kinh nghiệm xe cộ? Thứ hai, Alan Mulally sẽ làm gì để vực dậy “người khổng lồ” đang đà sa sút? Thứ ba, thực sự Ford sẽ giữ chân Alan Mulally bao lâu?

Trong khi đó, để làm việc này, số tiền mà Ford phải trả cho Mulally là 20 triệu USD, trong đó 2 triệu USD tiền lương cơ bản, 18 triệu USD cho việc ông đồng ý từ bỏ công ty cũ và tiền thưởng mỗi năm là 3,5 triệu USD. Có thể nói, đây là cách làm mà ban lãnh đạo hãng xe thứ ba thế giới này phải “gồng mình” lên để ngăn chặn đà xuống dốc của hãng. Dư luận thế giới cho rằng Ford đang đánh cược số phận của mình. Giáo sư kinh tế Trường Đại học Michigan, David Lewis đã bình luận về Mulally và Ford: “Một con người liều lĩnh, một công ty liều lĩnh có thể làm nên những điều liều lĩnh và bất ngờ”.

Trả lời câu hỏi thứ nhất, các chuyên gia cho rằng sở dĩ Ford chọn Mulally bởi kinh nghiệm cắt giảm nhân công và định hướng sản phẩm tốt, cho dù những thành công ông đạt được chỉ trong lĩnh vực máy bay. Hành động đầu tiên sau ngày nhậm chức, Mulally không ngần ngại sa thải 30.000 nhân công để nâng cao lợi nhuận. Vì ông đã đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phục hồi, giúp Boeing giành phần thắng trước Airbus nhờ các mẫu 777 và 787.

Trả lời câu hỏi thứ hai, giới công nghiệp ô tô cho rằng chính sách cắt giảm nhân công, đóng cửa nhà máy nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh đã được Ford vạch ra từ trước và nhiệm vụ chính của Mulally là thực thi chiến lược đó. Tuy nhiên, ông sẽ phải tính xem có nên nâng con số 30.000 nhân công mất việc hay không, có phải đóng cửa thêm nhà máy nào hay không và xác định dòng sản phẩm chính để đối phó với các hãng châu Á. Đây là những nhiệm vụ căn bản mà Mulally phải làm trong 5 năm tới hết sức khó khăn.

Như để trả lời tiếp câu hỏi thứ ba, hãng Automotive News-một trong những nguồn tin công nghiệp ô tô uy tín nhất thế giới, đã thẳng thừng đặt câu hỏi: “Ai sẽ thay Alan Mulally vào 2010?”. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng có thể dự báo bởi chắc chắn Mulally không nằm trong chiến lược dài hơi của Ford Motor. Ông chỉ đóng vai trò là “vị cứu tinh” còn sau khi công ty đã hồi sinh, đi vào khuôn khổ, Ford có thể hất cẳng ông giống như Boeing đã làm.

Ford đã nghiên cứu rất kỹ về sở trường cũng như sở đoản của Mulally. Họ nhận ra rằng ông chỉ giỏi trong các vấn đề mang tính chiến thuật, nghĩa là người biến chiến lược thành hiện thực một cách mỹ mãn, còn muốn một kế sách đầy đủ, Mulally chưa đủ kinh nghiệm, uy tín cũng như hiểu biết trong làng xe hơi. Chính vì vậy, việc ông ra đi sau khi hợp đồng kết thúc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

NGHĨA NHÂN

 

Tin cùng chuyên mục