Ám ảnh nỗi lo giảm phát

Ám ảnh nỗi lo giảm phát

Nền kinh tế thế giới đang lâm vào cơn suy thoái nghiêm trọng. Người ta lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tín dụng trên toàn cầu và một nền kinh tế thiếu sinh khí sẽ gây nên tình trạng giảm phát, giống như điều đã từng xảy ra với nền kinh tế Nhật Bản những năm 1999-2006 vừa qua.

Sản xuất giảm, thất nghiệp tăng, thu nhập giảm, tiêu thụ giảm
 

Ám ảnh nỗi lo giảm phát ảnh 1
Hàng hóa giảm giá, người tiêu dùng vẫn thờ ơ

Ở Mỹ, chỉ số giá tiêu thụ tháng 10 giảm 1% so với tháng 9, là con số sụt giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này được thiết lập vào năm 1947. Chỉ số giá sản xuất cũng giảm kỷ lục, tới 1,8%.

“Tại sao giá cả lại phải tăng lên? – ông Jesper Koll, Tổng Giám đốc Văn phòng tư vấn đầu tư Tantallon Research Japan, giải thích – Lượng tủ lạnh tương đương với nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong 3 năm đang “ngủ” trong các nhà kho của Trung Quốc”.

Hàng dãy xe hơi xếp hàng dài trong bãi đậu xe của các hãng sản xuất xe. Các phân xưởng Trung Quốc thiếu chỗ để các sản phẩm chưa bán được. Giá các loại ti vi màn hình phẳng sụt mạnh. Tỷ lệ người thất nghiệp ở Mỹ tăng ở mức báo động, chỉ còn lĩnh vực dịch vụ hành chính công và sức khỏe - giáo dục là còn tiếp tục tạo ra những chỗ làm việc mới.

Người tiêu dùng Mỹ tin rằng hậu quả xấu của cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất vẫn còn tiếp diễn, họ chờ đợi (nếu cho rằng giá các mặt hàng sẽ còn giảm xuống) trước khi quyết định mua sắm trở lại. Hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển đều đang lâm vào tình trạng suy thoái.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giá đời sống và giá sản xuất giảm là do giá xăng dầu giảm. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho các nhà đầu tư lo lắng, rút lui khỏi thị trường chứng khoán. “Việc giá cả các loại hàng hóa bắt đầu giảm xuống, vào thời điểm người tiêu dùng đang “co cụm” lại, có thể sẽ làm khởi động bộ máy giảm phát vốn có sức công hủy lớn” – Sheryl King, chuyên gia kinh tế của Merrill Lynch, nói.

Đây lại là một dấu hiệu nữa cho thấy các nhà lãnh đạo cần tạm thời quên đi nguy cơ lạm phát, tập trung phương tiện đề phòng nạn giảm phát, không để cho nỗi lo giảm phát “phát tán”, vì nếu người dân ngưng tiêu tiền thì sau đó sẽ khó lòng đảo ngược được tình hình.

Trong hoàn cảnh đó, ngay cả khi tỷ lệ lãi suất (cho vay) ở mức thấp nhất, thì gánh nặng các khoản vay nợ (từ trước) đối với các gia đình và các doanh nghiệp cũng trở nên khó chịu đựng nổi (nợ và lãi nợ không giảm, trong khi thu nhập giảm). Giảm phát kéo theo sản xuất ngưng trệ (các doanh nhgiệp chờ đợi giá các loại nguyên vật liệu giảm xuống...), thất nghiệp tăng, người dân giảm tiêu thụ do thu nhập giảm...

Chính sách tiền tệ - vũ khí quan trọng

Để chống lạm phát có thể “xiết chặt” các khoản tín dụng, “thắng” bớt nền kinh tế. Nhưng để thoát ra khỏi tình trạng giảm phát thì khó khăn hơn nhiều, cần những khoản chi tiêu lớn của nhà nước, là điều không dễ thực hiện ngày nay. Trong vài tháng tới, chỉ số về giá ở một số nước có thể sẽ giảm xuống, nhưng đấy chưa thực sự là giảm phát. Đáng lo ngại hơn cả là khi giá cả các loại nguyên vật liệu và các loại hàng hóa giảm liên tục trong thời gian dài...

Phần lớn các nhà phân tích đều nhất trí rằng, nếu giảm phát xảy ra thì tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Vì thế, chống giảm phát là chủ đề chi phối chính sách kinh tế của các quốc gia Âu, Mỹ hiện nay, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Tỷ lệ lãi suất sẽ còn giảm, các kế hoạch về ngân sách hay tái khởi động nền kinh tế sẽ nhằm mục tiêu kích thích tiêu thụ.

Theo dự báo, chỉ số giá ở châu Âu năm 2009 tiếp tục giảm. Kinh tế khu vực sử dụng đồng euro đang suy thoái. Nếu chậm hành xử, nền kinh tế có thể bị tê liệt bởi nạn giảm phát. Ngày 4-12, Ngân hàng trung ương châu Âu BCE đã quyết định giảm bớt 0,75% tỷ lệ lãi suất quy chiếu xuống còn 2,5%, mức giảm mạnh nhất từ trước tới nay.

Nhưng Ngân hàng quốc gia các nước Anh (2%), Thụy Điển (1,75%), Thụy Sĩ, Mỹ (1%) còn giảm mạnh hơn, vì thế việc làm của BCE bị coi là chậm và không đủ. Cần phải giảm tỷ lệ lãi suất mạnh hơn nữa, thậm chí chỉ còn 0%, để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các gia đình và các doanh nghiệp, nhất là các xí nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách tiền tệ là một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn nạn giảm phát.

Sau chiến dịch giải cứu các nhà băng, giờ đến lúc phải tái khởi động nền kinh tế. Trong cuộc chạy đua chống lại tình trạng giảm phát, thà giảm mạnh tỷ lệ lãi suất hơn là giảm tỷ lệ lãi suất bởi vì khi giá cả đã giảm xuống thì tỷ lệ lãi suất có giảm xuống 0% cũng chẳng còn tác dụng gì. Tất nhiên, chính sách tiền tệ và việc thay đổi tỷ lệ lãi suất không thể một mình giải quyết được mọi chuyện. Để tránh việc hình thành những “trái bóng đầu cơ” trong tương lai, cần có những quy định và sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Sau “chiến dịch giải cứu” các nhà băng, việc cần làm nhất hiện nay là tái khởi động nền kinh tế. Bài học của Nhật Bản cho thấy cần ngăn chặn nạn giảm phát “ngay từ trong trứng”.

NGUYỄN VŨ (theo Courrier International)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục