Ấm lòng Lằng Khằng

Trong hành trình Trở lại chiến trường xưa, trong các điểm đến dự kiến có các địa danh dọc đường 12 trên đất bạn Lào, ngay cả ban tổ chức cũng không xác định được điểm dừng chính xác. Chỉ khi đặt chân đến ngôi chợ nghèo ngay đầu bản Lằng Khằng (huyện Buala Pha, tỉnh Khăm Muộn), nhiều thành viên trong đoàn mới nhận ra đây là một trong những điểm tập kết của các đoàn xe vận tải rầm rập nối đuôi nhau từ Khe Ve, Cha Lo vượt tránh những trọng điểm ác liệt trên đường 12 trước khi vượt Trường Sơn đi tiếp vào Nam.

Trong hành trình Trở lại chiến trường xưa, trong các điểm đến dự kiến có các địa danh dọc đường 12 trên đất bạn Lào, ngay cả ban tổ chức cũng không xác định được điểm dừng chính xác. Chỉ khi đặt chân đến ngôi chợ nghèo ngay đầu bản Lằng Khằng (huyện Buala Pha, tỉnh Khăm Muộn), nhiều thành viên trong đoàn mới nhận ra đây là một trong những điểm tập kết của các đoàn xe vận tải rầm rập nối đuôi nhau từ Khe Ve, Cha Lo vượt tránh những trọng điểm ác liệt trên đường 12 trước khi vượt Trường Sơn đi tiếp vào Nam.

Nhìn những ngọn núi cao ngất, những vạt đất lồi lõm, hố bom còn sót lại sau hàng chục năm chiến tranh, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên chính trị viên Đại đội 1, D52 vận tải Trường Sơn (hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) mới quả quyết: “Bản Lằng Khằng đây rồi”.

Thế rồi, ông kể ra không sót một địa danh nào của hai tuyến vận tải trên đất bạn Lào mà hơn 40 năm trước ông và những đồng đội của mình đã ngang dọc trong cơn mưa bom bão đạn trên những chuyến xe chở đầy vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. “Tuyến thứ nhất: Cha Lo - Lằng Khằng - Pha Nốp - Xiêng Phan - Pác Pa Năng. Tuyến thứ hai: Cha Lo - đường 050 - Tha Pa Chôn - Pác Pa Năng”. Vừa nhắc đến những địa danh trên, giọng ông như chùng lại: “Anh em mình ngày đó hy sinh nhiều lắm. Giờ này chắc họ vẫn còn nằm lại đây, lẫn trong cỏ cây, sông suối, bản làng. Quay lại đường 12, thế nào cũng gặp anh em mình” - vị tướng già lại quả quyết với các thành viên trong đoàn và giục mọi người lên xe…

Đoàn xe nối đuôi nhau chạy vội trở lại đường 12 đi về phía cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). “Dừng lại”, hiệu lệnh dứt khoát của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khiến cả đoàn xe phăng phắc làm theo. “Km10 đây rồi. Từ đây sẽ thấy rõ thung lũng Xiêng Phan nằm dưới kia”. Ông bước xuống xe, cũng không thể ngờ ở điểm đó có một tảng đá to nằm dưới một gốc sung rừng già. Mọi người cùng đi theo, lặng lẽ đặt lên tảng đá những bó nhang, chai nước, bịch bánh, kẹo, thuốc lá… rồi cùng nhau tỏa ra xung quanh cắm những nén nhang lên những vạt cỏ, gốc cây, triền dốc.

Chắp tay đứng lặng bên phiến đá một lúc thật lâu, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn mới thốt lên: “Đúng là anh em mình đưa đoàn đến đây rồi”. Đại đức Thích Trung Sơn, Tổ đình Vĩnh Nghiêm, tụng kinh cầu an cho các linh hồn liệt sĩ trong tiếng khánh ngân vang giữa khung cảnh u tịch và linh thiêng của núi rừng Trường Sơn. “Anh em ơi, đồng đội mình về đây hết cả rồi” - tiếng một thành viên trong đoàn cất lên.

Thay mặt Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, nhà báo Nguyễn Đức bày tỏ mong muốn được xây dựng tại đây một miếu để thể hiện tấm lòng của những người đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn nhớ về đồng đội.

Giọng Thiếu tướng Phan Khắc Hy run run: “Tôi xin góp 5 triệu đồng”. Cả đoàn cùng hưởng ứng theo, người 3 triệu, 2 triệu, 1 triệu; người 500.000 hoặc 200.000 đồng. Chưa đầy 15 phút, số tiền thu được của cả đoàn để làm việc nghĩa với các anh, các chị nằm lại trên đất bạn Lào đã lên đến con số hơn 52 triệu đồng. Sự kiện này tuy không được dự kiến trong hành trình nhưng đã trở thành một dấu ấn của chuyến đi. Ấm lòng Lằng Khằng, ấm cả lòng các cựu chiến binh, cựu TNXP Trường Sơn!

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục