Ấm lòng người dân vùng sạt lở

Đã hơn 3 tháng qua, người dân tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn ám ảnh bởi trận sạt lở kinh hoàng đã vùi lấp hàng chục người. Để giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, đặc biệt là có một cái tết cổ truyền đầm ấm, chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành chức năng đã có những hành động thiết thực, góp phần xoa dịu một phần mất mát của người dân nơi đây.

Nắng lên, cùng với bao mồ hôi công sức của lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục, con đường vào thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) đã trở nên sạch sẽ, dễ đi, không còn cảnh bùn lầy, đất đá lô nhô. Hơn một tháng qua, trên mặt bằng rộng hơn 6ha (cách làng Trà Leng cũ chừng 5km) như một đại công trường. Gần 150 công nhân cùng với nhiều máy móc làm việc ngày đêm, nhanh chóng hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân.

Vợ chồng ông Hồ Văn Đề phấn khởi đứng dưới hiên ngôi nhà 
đang hoàn thiện tại nơi ở mới
Chúng tôi trở lại làng cũ, vẫn thấy người dân đang sống trong những ngôi nhà tạm, dựng sau khi vụ sạt lở xảy ra hồi tháng 10-2020. Tuy nhiên, nơi này đã được lắp điện năng lượng mặt trời để thắp sáng, giúp người dân vơi đi cảm giác trống vắng. Cách đây hơn 3 tháng, chúng tôi bắt gặp ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch xã Trà Leng, mắt đỏ hoe đứng chết lặng bên đống hoang tàn đổ nát sau khi làng Trà Leng bị xóa sổ. Giờ đây, đứng trên đồi cao nhìn về làng mới lợp tôn màu đỏ gạch giữa rừng xanh, cũng đôi mắt đỏ hoe, ông Cường run run giọng: “Bu bám hiện trường từ những ngày đầu tiên, giờ đây bao cảm xúc buồn vui trong tôi lẫn lộn. Vui vì người dân chuẩn bị về nhà mới, nhưng cũng buồn vì 13 người mất tích vẫn chưa tìm thấy”.    


Những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang đang dần được hoàn thiện cho người dân mất nhà có nơi ở mới. Tuy nhà vẫn còn nhiều chi tiết chưa hoàn thiện, nhưng ông Hồ Văn Đề và một số hộ đã dọn về.  Thấy có người lạ đến thăm nhà, ông Đề xúc động: “Từ bữa sạt lở đến giờ mới có bữa cơm ngon, đông vui thế này. Mấy đứa con cháu còn sống sót thì giờ cũng đi học, đi buôn bán, đi nương rẫy. Nay về nhà mới, con cháu mừng vui tập trung dọn dẹp nấu cơm ăn chung, tôi thấy rất ấm lòng. Cũng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và đồng bào cả nước, cuộc sống người dân chúng tôi đã thay đổi rất nhiều”, ông Đề nói.  

Đang loay hoay giặt lại mớ quần áo bẩn để dọn qua nhà mới, chị Trần Thị Liễu, người có chồng bị mất trong vụ sạt lở, ở tạm cùng với hai con nhỏ tại điểm trường nóc Ông Lực cho biết, 3 tháng nay là khoảng thời gian buồn tủi, nhớ chồng. Sắp được nhận nhà mới, chị Liễu chia sẻ: “Nhìn các con hò reo vui vẻ sắp có nhà mới đẹp, khang trang, có nơi thờ bố và không sợ mưa, bão, sạt lở nữa, tôi cũng xúc động lắm. Tự động viên mình phải cố gắng gượng để chăm lo các con có cái ăn, cái mặc, tiếp tục đến trường học cái chữ”. 

Huyện Nam Trà My đã chuyển hơn 160 tấn gạo cho 10 xã nhằm cung cấp cho những hộ dân ăn tết và dự trữ trong mùa giáp hạt. Ngoài sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, huyện cũng đã tổ chức thăm hỏi 82 hộ bị thiên tai, đặc biệt những hộ bị mất nhà, mất người thân, bị thương trong vụ sạt lở. “Tết này đảm bảo bà con không có ai đói rét và mong bà con sẽ được đón tết no đủ, đầm ấm”, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khẳng định.  

“Địa phương đồng loạt xây dựng 79 căn nhà cho người dân bị mất nhà trong những đợt mưa lũ, sạt lở hồi tháng 10-2020 và sẽ bàn giao trước tết 28 căn. Trong đó, Trà Leng hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 căn tại Làng Ông Đề vào 25 tháng Chạp, bàn giao Trà Mai 8 căn và Trà Vân 7 căn vào ngày 23 tháng Chạp, các hộ dân còn lại cố gắng ra tết sẽ hoàn thành. Những hộ chưa nhận nhà trước tết hiện đang ở trong những nhà tạm đảm bảo đầy đủ tiện nghi thiết yếu và thực phẩm để đón tết đầm ấm”, ông Trần Duy Dũng thông tin thêm. 

Làng Trà Leng đã và đang hồi sinh một cách mạnh mẽ, không khí tang thương, ảm đạm đã được xua tan bởi sự chăm lo kịp thời, thiết thực của chính quyền địa phương, cũng như sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước.

Tin cùng chuyên mục