Bảo tàng TPHCM và Nhạc viện TPHCM vừa tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu chuyên đề “Ca ra bộ trong đờn ca tài tử”. Ít ai nghĩ rằng, một buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc tài tử lại có sức hút, tạo không khí sôi động đến vậy, nhất là với những người trẻ.
Trước hàng trăm bạn trẻ là đoàn viên đến từ Quận đoàn 10, TPHCM, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, Đại học Sài Gòn, Đại học KHXH-NV TPHCM và Đại học Sư phạm TPHCM, thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM đã trình bày sơ lược sự hình thành và phát triển của đờn ca tài tử Nam bộ, các nhạc cụ, bài bản tài tử cổ điển, sự ra đời của ca ra bộ, quá trình hình thành phát triển của sân khấu cải lương.
Nói đến vùng đất Nam bộ, không thể không nhắc đến nghệ thuật đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Để minh họa cho các bài bản, nhiều tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ đã giúp chương trình giao lưu thêm phần sôi nổi: ca ra bộ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, Ông thần lu, bài tân cổ giao duyên và bài bản tài tử Cô gái tưới đậu, Duyên quê, Bước em đi, Nhành mai thắm, ca chập Nguyễn Trung Trực của các nghệ sĩ Minh Đức, Thảo Vy, Thúy Loan, Thành Tây, Thanh Mai, Hoàng Quân… đã làm mát lòng những người mộ điệu.
Chương trình giao lưu thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ
Không khí của khán phòng thực sự “nóng” lên khi đến phần giao lưu. Tất cả ánh mắt đều hướng về sân khấu khi bạn Nguyễn Phi Cát (Quận đoàn 10) giao lưu với bài tân cổ giao duyên Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Những tràng vỗ tay dồn dập khiến Phi Cát quá run nên quên mất lời ca, đành bắt nhịp lại từ đầu và nghệ sĩ Thúy Loan cùng lên song ca để “giải cứu” người bạn trẻ. Chưa hết ngạc nhiên, cả hội trường lại thêm một lần xuýt xoa khi bạn Trần Thanh Dư xung phong góp vui bài tân cổ Dòng sông quê em. Cách nhả chữ vững vàng, lối ca chắc nhịp, dầy hơi của Thanh Dư khiến không ít người phải tròn mắt. Hỏi ra mới biết, anh chàng này quả… không phải tay vừa. Từ thuở lọt lòng ở quê xứ dừa Giồng Trôm (Bến Tre), Dư đã nghe tiếng đờn, lời ca từ ông bà nội, cha mẹ nên những âm điệu chân phương ấy đã thấm sâu vào tâm trí cậu. Hiện đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Sư Phạm TPHCM), để thỏa niềm đam mê của mình, gần một năm nay, Dư tìm đến học ca tài tử cải lương tại một câu lạc bộ ở Nhà văn hóa phường 10, quận 10. “Em rất mê tài tử cải lương nên mỗi lần về quê, em thường tham gia những buổi tối chơi đờn ca tài tử với các anh chị, cô chú ở CLB đờn ca tài tử của xã Châu Bình. Mình dân miền Tây mà, không biết 1 -2 bài hay vài câu vọng cổ lận lưng thì kỳ lắm. Với lại, đó cũng là văn hóa truyền thống của người Việt mình, càng tự hào thì càng phải học hỏi thêm để biết”, giọng Dư chân tình.
“Có ý kiến lo rằng, giới trẻ ngày nay thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, nhưng tôi không nghĩ vậy và chuyên đề hôm nay là một minh chứng. Tôi mong thời gian tới sẽ có nhiều thêm những chuyên đề về tài tử cải lương sinh động như thế giới thiệu đến các bạn trẻ. Hơn một thế kỷ qua, nghệ thuật tài tử cải lương đã sống và phát triển thì nó vẫn sẽ sống ngày càng mạnh mẽ dù ở nông thôn hay thành thị. Ở nhà tôi, ai cũng thích và ít nhiều biết về tài tử cải lương. Có nhiều dịp để tìm hiểu giao lưu, tôi nghĩ dần dần các bạn trẻ sẽ biết và sẽ yêu thích bộ môn này”, Trần Thị Thúy Hằng (Quận đoàn 10) chia sẻ.
| |
MINH AN