Ẩm thực giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), khuyến cáo về dinh dưỡng cho trẻ em như sau: Cho trẻ bú sớm để trẻ bú được sữa non (trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau sinh, tốt nhất khi người mẹ còn nằm trên bàn sinh).
Ẩm thực giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), khuyến cáo về dinh dưỡng cho trẻ em như sau: Cho trẻ bú sớm để trẻ bú được sữa non (trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau sinh, tốt nhất khi người mẹ còn nằm trên bàn sinh).

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Các chuyên gia y tế quốc tế nhất trí rằng chỉ việc cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần bổ sung thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác, đã là một cơ hội to lớn giúp giảm tình trạng ốm đau và tử vong ở trẻ.

Cho trẻ bú sữa mẹ từ 18 đến 24 tháng, cùng với ăn bổ sung hợp lý (cho trẻ ăn dặm bằng những loại thức ăn có đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, vào đúng thời điểm và với số lượng phù hợp). Không để trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B1, C, D, E và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...) trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Những trẻ được bú mẹ ít có nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn. Về sau, khi trưởng thành, sẽ giảm được nguy cơ béo phì, bệnh cao huyết áp và các bệnh mạn tính không lây khác. Thực hành dinh dưỡng kém trong 2 năm đầu có thể tác động lâu dài và ảnh hưởng rất lớn tới sự tăng trưởng, phát triển, thành tích học tập và ngay cả khả năng kinh tế của trẻ sau này.

Ăn dặm đủ chất

Bữa ăn cho trẻ cần đa dạng, phối hợp nhiều loại lương thực, thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm) gồm có: Chất bột; chất đạm; chất béo; rau, củ, trái cây.

Một số thực phẩm cần thường xuyên sử dụng để chế biến thức ăn cho trẻ em: Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn... Rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ…) có nhiều bêta-caroten (tiền vitamin A). Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà...Tốt nhất cần được tắm nắng 15-30 phút mỗi ngày vào buổi sáng, trước 8 giờ, hoặc vào lúc chiều muộn. Sắt  được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn thức ăn: thức ăn động vật (thịt bò,  lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá...) và thức ăn thực vật (đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...).

Các thực phẩm có nhiều canxi: tôm, tép, cua đồng, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi... Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau  cải xoong, tảo... Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, nghêu, ốc, lươn, củ cải, đậu nành... 6 chất có tác dụng chống oxy hóa, cần lưu ý bổ sung trong các bữa ăn của trẻ em như vitamin E có nhiều trong dầu ăn, mầm lúa mì, giá đậu, quả hạnh, hạt hướng dương... Vitamin C có nhiều trong ớt chuông, bông cải, rau bó xôi, chanh, cam quýt, quả kiwi, dâu tây, ổi, xoài, sơ ri... Selenium có nhiều trong quả hạch, thịt, hải sản, hạt lúa và ngũ cốc... Coenzym Q10 có nhiều trong gạo, mỡ cá... Lycopen có nhiều trong cà chua, gấc, dâu tây... Quercetin có nhiều trong táo, nho, hành đỏ, bột kiều mạch...

Nước uống đủ

Trong dinh dưỡng trẻ em, nước uống là rất cần thiết cho các hoạt động sống của cơ thể, tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần nước, nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi, nhu cầu nước uống trong ngày là 100ml/kg/ngày (kể cả sữa), dưới dạng nước đun sôi để nguội nước quả tươi, nước rau luộc…Trẻ trên 12 tháng tuổi: Trẻ 10 kg cần 1lít nước một ngày (kể cả sữa). Trẻ nặng hơn 10kg, thì cứ mỗi kg cần thêm 50ml. Trẻ từ 10 tuổi trở lên, lượng nước uống trong ngày bằng người lớn: 2 - 2,5l/ngày. Nước uống có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước luộc rau củ, nước súp.

Một vài món ăn cung cấp dinh dưỡng tốt cho trẻ em

- Cháo cà rốt, có tác dụng bổ tỳ vị, trợ tiêu hóa, dùng cho trẻ em suy nhược cơ thể, gầy yếu, tiêu hóa không tốt, quáng gà, ho, tiêu chảy kéo dài.

 - Nước ép cà rốt, có tác dụng bổ dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng, tăng sức đề kháng, cải thiện thị lực, chữa trẻ em ho suyễn, gầy còm, ra mồ hôi trộm.

- Cháo ý dĩ (hạt bo bo) có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, lợi thủy, trừ ung nhọt. Rất tốt cho trẻ nhỏ bị tiêu chảy, biếng ăn, gầy còm, ngủ thường giật mình, dễ bị ung nhọt. Trẻ em táo bón, bí mồ hôi thì không nên dùng.

- Thịt gà (hoặc thịt chim cút) hầm ý dĩ, hạt sen, có tác dụng bổ tỳ vị, bổ tâm, bổ phế, rất tốt cho trẻ nhỏ bị suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, ho dai dẳng, gầy còm. Theo Đông y, ý dĩ có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ tỳ kiện vị, bổ phế, lợi thủy, thanh nhiệt, ích khí huyết. Ý dĩ được coi là một vị thuốc - thực phẩm bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của trẻ em, người già, phụ nữ sau khi sinh. Người ta còn dùng ý dĩ như một loại lương thực thay cơm, nhờ lượng tinh bột khá cao (60%), khi thổi cơm, nó cũng dẻo, thơm ngon như cơm nếp...

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM

Tin cùng chuyên mục