Một đêm tháng 3, đứng trên lầu cao nhất của nhà khách cao tầng T26, tôi được phóng tầm mắt nhìn khắp thành phố Đà Nẵng ôm trọn sông Hàn thơ mộng.
Ánh đèn lung linh sắc màu trên gần chục cây cầu vắt qua sông. Những bóng đèn chùm như những đóa hoa hồng rực rỡ, nối dài các con đường thênh thang, từ đường Bạch Đằng ven theo sông đến đường Điện Biên Phủ, ngõ hầu nối quốc lộ 1A vào trung tâm thành phố; từ đường Phạm Văn Đồng nối chân cầu Sông Hàn tới đường Sơn Trà - Điện Ngọc; từ đường Nguyễn Tất Thành chạy sát bờ cát mịn đến chân đèo Hải Vân...
Sức lực, trí tuệ và sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng đã và đang làm cho mảnh đất được coi là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung này thay da, thắm thịt từng ngày.
Ít có nơi nào như Đà Nẵng, đã tự tạo dựng nên những “cái nhất” ở nước ta, rất đáng tự hào: Đà Nẵng - một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam; Thuận Phước là cây cầu treo dây võng dài nhất (1.850m, dài hơn cầu Mỹ Thuận là 300m); cầu Sông Hàn, là cây cầu xoay duy nhất; cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu cổ nhất; cáp treo một dây Bà Nà dài nhất hành tinh (1); đường hầm Hải Vân dài nhất Đông Nam Á; cảng Tiên Sa là cảng container lớn nhất khu vực; bãi biển Mỹ Khê là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất thế giới, trải dài hơn 30km, từ bán đảo Sơn Trà đến chân dãy Ngũ Hành Sơn!...(2)
Ngược dòng lịch sử, Đà Nẵng đón nhận những “dấu mốc đầu tiên”: năm 1835, với chiếu dụ của vua Minh Mạng, Đà Nẵng trở thành thương cảng lớn đầu tiên ở miền Trung. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng chiếm Đà Nẵng đầu tiên, mở đầu cuộc thống trị nước ta ngót 100 năm. Tháng 3-1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam bằng việc đổ bộ lên đất Đà Nẵng các đơn vị thủy quân lục chiến. Cũng từ đó, chính quyền ngụy Sài Gòn ấn định Đà Nẵng là thành phố trực thuộc, xây dựng nơi đây thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của vùng I và vùng II chiến thuật...
Mười ba năm trôi qua, kể từ ngày Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; vùng đất xanh núi, xanh sông, xanh biển; trắng gió, trắng trời, trắng cát này thật sự chuyển mình, biến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thành nội lực, vượt qua sự tàn phá của bão dông, tháo gỡ những “nút thắt” của tư duy thời bao cấp, mời gọi nhân tài; khuyến khích ý thức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức từ phường, xã đến thành phố; vận động thuyết phục nhân dân tự nguyện rời bỏ ngôi nhà thân thiết bao đời để mở đường mới, xây dựng các khu công nghiệp mới, trường học mới..., nhằm vẽ lại dáng vóc của một thành phố công nghiệp, dịch vụ trong thời kỳ cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, hơn 10 khu công nghiệp lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành công nghiệp là 20%. Đà Nẵng cũng là trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với hơn 40 ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần, liên doanh và công ty tài chính sôi động ngày đêm. Nhằm liên kết sức mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng, Đà Nẵng nhận thức rõ trách nhiệm đầu mối, coi trọng phát huy vai trò và sức lan tỏa của các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội...; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở Huế, Đà Nẵng (3), Quy Nhơn; nối thông các tuyến du lịch Huế - Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước - Hội An - Mỹ Sơn, “con đường di sản” văn hóa thế giới...
Bằng sự bứt phá phi thường trong 10 năm qua, Đà Nẵng đã gây dấu ấn sâu đậm trong cả nước: một thành phố với số dân ngót triệu người, đạt giá trị tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm; thu nhập đầu người từ 165 USD (1987) lên 1.600 USD (2009); thu ngân sách từ 900 tỷ (1998) đã lên hơn 9.000 tỷ đồng (2009)!...
Theo số liệu của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đà Nẵng đứng đầu xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2009; có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất Việt Nam; đang hoàn thành trung tâm hành chính 34 tầng - một công sở hành chính nhà nước tập trung đầu tiên trên cả nước(4).
Nhìn những ngôi nhà bề thế, vút cao, những con đường rộng mở, thoáng đãng, ít ai biết rằng, để có “tấm áo mới” của thành phố sau 10 năm, Đà Nẵng đã bền bỉ, gồng mình thực hiện cuộc di dời lịch sử: hơn 8.500 hộ dân (hơn 1/3 tổng số hộ của thành phố) được tái định cư, hình thành hàng trăm khu dân cư mới. Có thể coi đây là sự nghiệp gian nan nhất, diễn ra khi âm thầm, khi nóng bỏng, quyết liệt của cả thành phố.
Không chỉ làm tư tưởng cho từng hộ dân, từng nhà cán bộ; mà cho cả các cơ quan Đảng, Nhà nước khi triển khai dự án cầu đường Nguyễn Văn Linh. Trong dự án này, không chỉ phải giải tỏa 1.500 ngôi nhà, vườn tược của dân, mà cả những nhà cao tầng của các cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp trên các tuyến đường lớn, như Phan Chu Trinh, Lê Đình Dương nằm lọt giữa khu trung tâm buôn bán sầm uất...
Đặt trong những hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, mới thấy sâu sắc sức mạnh của sự đồng thuận xã hội, khi mỗi người tự nhận thức được rằng chính mình phải tự giải quyết hài hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa hiện tại và tương lai của một thành phố là “điểm tựa” của miền Trung và Tây Nguyên rộng lớn này!
Một đồng chí lãnh đạo cấp sở ở Hải Phòng nhân dự Hội nghị thông tin đối ngoại tổ chức tại Đà Nẵng hồ hởi tâm sự với tôi bên dòng sông Hàn: “Sáng qua nghe anh Nguyễn Bá Thanh, Bí thư TP Đà Nẵng phát biểu ở hội nghị, nhiều người tâm đắc và cảm phục khi biết vào năm 2005, thành phố đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “5 không” (không có người nghỉ học trong độ tuổi; không có hộ nghèo đặc biệt; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có cướp của giết người).
Từ năm 2006, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng thành phố “3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị”. Anh cho biết, khi đến thăm người em gái, bà con sang chơi còn kể nhiều chuyện lý thú về giải tỏa mặt bằng, về xây dựng nếp sống văn hóa mới… Anh sửng sốt, khi có người đi xe máy vào chơi, anh nhắc phải để vào trong nhà cho cẩn chắc, thì chủ xe hồn nhiên: “Ở đây, để xe bên ngoài, hoàn toàn yên tâm anh ạ!”.
Lại thêm một lần, tôi hiểu sâu xa lời Nguyễn Trãi: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Tôi có may mắn, đúng ngày 29-3 năm ngoái, được dự cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế mang tên “Âm vang sông Hàn”. Dân lũ lượt ra chật cầu, chật phố ngắm xem, nhưng không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy.
Năm nay, kỷ niệm 35 năm ngày Đà Nẵng giải phóng, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế chắc chắn sẽ tưng bừng hơn, cuốn hút hơn, sức lan tỏa sẽ rộng lớn hơn. Thật mừng, Vietnam Airline quyết định tăng 3 chuyến bay trong tuần từ 22 đến 29-3 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng và tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng nhằm phục vụ du khách đến thưởng thức cuộc thi bắn pháo hoa ngoạn mục này!
Phải chăng những chùm pháo hoa ấy cũng là biểu tượng tình yêu và sức vươn lên của người Đà Nẵng trước tiền đồ tươi sáng, với vận hội đan xen thách thức của thời kỳ mới? Đáng yêu, đáng nhớ biết bao những câu thơ – tiếng lòng của nhà thơ Thuận Hữu, người đã và đang coi Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình: “Giữa đen bạc cuộc đời, dòng sông vẫn chảy/ Đà Nẵng vẫn nồng say hương vị nụ hôn đầu/ Đà Nẵng mở lòng, tình cảm đằm sâu…”.
NGUYỄN HỒNG VINH
Đà Nẵng, tháng 3-2010
(1) Cáp treo Bà Nà đạt 2 kỷ lục thế giới: độ dài là 5.042,62m; độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới là 1.291,81m.
(2) Theo bình chọn của Tạp chí Forbes (Mỹ), các bãi biển còn lại là Brahia (Brazil), Bondi (Australia), Castelo (Bồ Đào Nha), Las Minitas (Dominica), Wailea (Mỹ).
(3) Đà Nẵng hiện có 18 trường đại học, 18 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp.
(4) Theo thiết kế, tòa nhà 34 tầng này có diện tích sàn khoảng 62.000m2; có 2 tầng hầm; phòng họp lớn, có diện tích 1.600m2 (1.200 chỗ ngồi), căng tin có sức chứa hơn 1.000 người...