Âm vang Việt Nam ngày thu ấy

Ở Hoa Kỳ, mỗi dịp thu, tôi thường có chương trình diễn giảng vòng quanh nước Mỹ do các trường đại học mời. Mùa thu này tôi may mắn hơn, được cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam góp tay, chung sức, phối hợp thể hiện nhiều góc độ văn hóa rộng rãi hơn trước. Sinh viên và công chúng Mỹ được dịp tiếp cận không những về mặt âm nhạc mà còn cả sân khấu, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật hóa trang tuồng và ẩm thực.
Âm vang Việt Nam ngày thu ấy

Ở Hoa Kỳ, mỗi dịp thu, tôi thường có chương trình diễn giảng vòng quanh nước Mỹ do các trường đại học mời. Mùa thu này tôi may mắn hơn, được cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam góp tay, chung sức, phối hợp thể hiện nhiều góc độ văn hóa rộng rãi hơn trước. Sinh viên và công chúng Mỹ được dịp tiếp cận không những về mặt âm nhạc mà còn cả sân khấu, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật hóa trang tuồng và ẩm thực.

Giáo sư Hoàng Chương (nhà nghiên cứu uy tín về nghệ thuật tuồng đồng thời là Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) đã thuyết trình có minh họa một cách sinh động về nghệ thuật tuồng từ những động tác ý nghĩa như sử dụng các đạo cụ và hình tượng biểu trưng của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Trích đoạn tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo độc đáo của thể loại sân khấu này cũng được nghệ sĩ Kiều Oanh thể hiện, nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng. Âm nhạc tuồng được diễn xuất qua tay trống, tay nhị của NSƯT Trọng Quế (nguyên trưởng đoàn ở Nhà hát tuồng Đào Tấn). Sinh viên, học sinh được dịp hiếm hoi thấy nghệ thuật đánh trống Bình Định phổ vào điệu múa, tiếng hát tuồng thật khít khao, nhịp nhàng, sôi động.

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong.
GS-TS Nguyễn Thuyết Phong.

Âm nhạc là mảng thu hút không kém khi tiết mục hát xẩm đến với công chúng Mỹ qua giọng hát ngọt ngào của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Riêng tôi, ngoài việc thuyết trình âm nhạc còn đảm trách độc tấu đàn nguyệt, đàn tranh, hát dân ca và ngâm thơ xuyên suốt cho khán giả ở các đại học lẫn các em ở tiểu học. Máy bay riêng của nhà tỷ phú Nelson Bowers đã đưa chúng tôi đến bang Tennessee miền Nam. Ông yêu quý văn hóa Việt Nam bằng cả trái tim nhiệt huyết. Sân khấu Frierson của Trường Nữ sinh Preparatory của thành phố Chattanooga, bang Tennessy, đông nghịt các trẻ em say mê nồng nhiệt vỗ tay hát theo các điệu dân ca Việt Nam và say mê theo dõi các trích đoạn minh họa tuồng của GS Hoàng Chương và Kiều Oanh.

Ở The Bright School cũng thế, không kém nồng nhiệt đối với học sinh cấp 2 khi các em đặt nhiều câu hỏi về nghệ thuật Việt Nam. Bà hiệu trưởng phải thốt lên: “Chưa bao giờ có buổi hướng dẫn mang màu sắc nồng nàn như thế cho tuổi thơ ở đây. Việt Nam xứng đáng là một nền văn hóa đáng quý”.

Một cuộc tọa đàm về điện ảnh Việt Nam do tôi, GS Jack Harris và anh Đình Khiêm tổ chức tại Đại học Hobart - William Smith đã giúp hàng trăm sinh viên nôn nóng muốn tìm hiểu những góc độ nhân sinh ở đồng bằng sông Cửu Long qua phim Cánh đồng bất tận. Tiếp theo là buổi hội thoại mở về tương lai văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình lưu diễn lần này còn được tiến hành qua hai cuộc biểu diễn thời trang áo dài Việt Nam do các sinh viên Mỹ và Việt Nam cùng với sự thuyết trình hấp dẫn của GS Hoàng Chương tại Đại học Keuka College và Đại học Hobarte William Smith.

Có thể nói, sự kiện chưa từng xảy ra ở bất cứ đâu nhưng lại có mặt trong chương trình Soundful Vietnam II là nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được trình diễn quy mô từ phong cách đến tầm cỡ. Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải đã thể hiện một cách trọn vẹn kế hoạch của mình, hướng dẫn nhanh chóng và thành công 6 đầu bếp chuyên nghiệp của các trường đại học trên thực hiện “Một ngày cho Việt Nam” bằng món ăn quê hương mình. Hơn 500 người gồm sinh viên và giảng viên lần đầu tiên được thưởng thức hương vị của đất nước rồng tiên.

Cảm nhận một cách sâu sắc, Hiệu trưởng GS-TS Mark D. Gearan đã khen ngợi chuyên gia Tịnh Hải nồng nhiệt trước lãnh đạo nhà trường, cho rằng món ăn là phương tiện chuyên chở văn hóa Việt Nam tuyệt hảo. Người từng giữ vai trò trợ lý cho cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Giám đốc truyền thông Nhà Trắng cũng thừa nhận đây là lần đầu tiên ông được ăn món Việt Nam một cách không ngần ngại.

Ba mươi năm qua, tôi đã sống và giới thiệu âm nhạc Việt Nam tại Mỹ, tôi luôn có một niềm vui mỗi dịp được các đồng nghiệp trong nước hỗ trợ. Mọi người ra về trong niềm hãnh diện đã thực hiện một sứ mạng, dù nhỏ nhưng có giá trị lâu dài. Hy vọng những bạn trẻ mà chúng tôi đã gặp mai sau lớn lên sẽ trở thành chuyên gia ở bất cứ lĩnh vực nào nhưng sẽ luôn nhớ âm vang Việt Nam ngày thu ấy trong tim các em…

GS-TS NGUYỄN THUYẾT PHONG

Tin cùng chuyên mục