Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, nổi tiếng với tên gọi “Venice phương Bắc” dễ thương và quyến rũ. Tôi đến Amsterdam, vào cuối mùa thu 2012 và, như bao du khách khác, tôi chọn cách đi tàu để thăm khu vực đã đi vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Cổ và đẹp
Gọi là “Venice phương Bắc” vì Amsterdam sở hữu hệ thống kênh dài khoảng 100km với trên 1.000 cây cầu bắc qua kênh và vài chục đảo tương tự như hình ảnh Venice quyến rũ và lãng mạn của nước Ý nằm ở miền Nam châu Âu.
Tàu đưa khách qua 3 con kênh, gồm Herengracht, Prinsengracht và Keizersgracht, gọi chung là Grachtengorden hay vành đai kênh. Gọi như vậy vì chúng là những con kênh đồng tâm hình cánh cung bao quanh thành phố. 3 kênh này, cùng với khu Jordaan (xây sau cùng, có một mặt giáp với Prinsengracht) được xếp vào danh sách di sản văn hóa của UNESCO.
Amsterdam chiều cuối thu. Cảnh vật lần lượt bày ra trước mắt tôi trời xanh, mây trắng, hàng cây trên bờ lá vàng rực. Nước kênh sẫm màu. Dọc hai bên kênh bồng bềnh những chiếc nhà thuyền xinh xắn và lãng mạn. Nhà cửa san sát nối tiếp nhau, toàn nhà gạch, đa số xây từ vài thế kỷ trước nhưng nhìn bên ngoài không thấy dấu hiệu rệu rã. Thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi nhà thờ cổ, tháp vươn cao in bóng trên nền trời hoặc cầu cổ có kiến trúc lạ soi bóng trên dòng kênh. Trong khu vực này có vài ngàn kiến trúc cổ có giá trị lịch sử, văn hóa hay gắn với một nhân vật nổi tiếng được xếp loại di tích quốc gia hay thành phố. Những tên Rembrandt, Anne Frank… khiến tăng thêm phần ngưỡng mộ của du khách đối với những kiến trúc cổ. Cảnh như một bức tranh. Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc vì được hưởng thụ cái đẹp của cảnh, của không gian thấm đẫm tính văn hóa và sự bình an trong tâm.
Các chuyên gia đánh giá di sản gọi khu vực này là một kiệt tác “hoàn toàn do con người tạo nên”. Họ muốn nhấn mạnh tài trí và công sức không thể tính nổi của những con người chiến đấu cam go giành đất với biển và từ đất ấy họ xây dựng một thành phố thật phát triển, thật giàu có và cũng thật đẹp. Nó từng là một mô hình đô thị độc đáo của châu Âu lúc bấy giờ.
Ngược dòng thời gian về lại thế kỷ thứ 12, Amsterdam là một làng chài nhỏ nằm cuối sông Amstel, trên một vùng đất thấp dưới mặt nước biển, nhiều đầm lầy, lụt lội quanh năm. Dân làng nghĩ ra cách đắp đê, xây đập thích ứng để ngăn nước. Một cái đập (dam) xây trên một nhánh sông Amstel vừa ngăn nước vừa làm bến cho tàu dỡ hàng đã cho vùng đất này một cái tên mộc mạc: Amsterdam.
Thành phố kênh
Họ đào kênh, rất nhiều kênh lớn nhỏ, ngang dọc, để thoát nước chống ngập, dẫn nước tới chỗ cần, mở rộng giao thông và bảo vệ thành phố. Kênh còn để nới rộng thành phố, thêm đất cho việc phát triển đô thị. Nét độc đáo của các con kênh Amsterdam là có hình cánh cung, gần như song song với nhau, đồng tâm tại vịnh IJ (vịnh IJ nay gọi là hồ IJ, có cảng Amsterdam lớn thứ hai của Hà Lan nằm bên bờ). Đất thu được từ việc đào kênh đắp lên phần giữa hai con kênh thành đất xây dựng phố xá, các công trình công cộng cần thiết cho cuộc sống đô thị.
Kênh theo thiết kế đó được đào lần đầu tiên vào thế kỷ 15, chưa từng thấy ở châu Âu trước đó. Hai thế kỷ sau, vào thế kỷ 17, 3 con kênh Herengracht, Keizersgracht và Prinsengrach cũng được đào theo kiểu đó. 3 kênh đào làm ranh giới mới cho thành phố Amsterdam, nới rộng bốn lần diện tích trong vòng 50 năm, một kỷ lục châu Âu vào thời đó.
Việc đào kênh và nới rộng thành phố lần này đúng vào thời hoàng kim của Hà Lan. Thương gia Amsterdam giàu có lớn nhờ buôn bán đường biển khắp thế giới. Họ có nhiều tiền, nhiều thế lực, họ cần thêm đất để khuếch trương kinh doanh và họ cũng cần ở nhà cao cửa rộng cho xứng với sự giàu có của họ. Việc đào kênh và xây cất trên vùng đất mở rộng chịu sự chi phối của giai cấp tư sản. Mạng kênh mới làm lợi nhiều cho việc nâng tầm thành phố cảng Amsterdam, giúp phát triển thương mại cực mạnh và hẳn nhiên kiến trúc nhà cửa trên vùng đất mới cũng theo phong cách tư sản.
Quy hoạch đô thị khu vực này được gọi là kiệt tác. Thành phố dành nhiều thời gian để nghiên cứu các kế hoạch đề xuất từ cuối thế kỷ 16. Năm 1613 đồ án xây dựng kênh được chấp thuận thì ngay sau đó thành phố thông qua đề án về cách bố trí, sắp xếp các con phố bao gồm vỉa hè, bờ kênh. Năm 1615 luật quy định rất nghiêm về kích cỡ các kiến trúc xây dọc kênh (chiều dọc, chiều ngang và chiều cao tối đa, mặt tiền phía trước và mảnh vườn riêng phía sau). Thuế nhà tính theo mặt tiền rộng hẹp, nên nhà vùng này thường hẹp. Luật còn quy định việc bảo dưỡng cây cối, cách ăn ở, cư xử của cư dân vùng kênh vành đai. Chính quyền thành phố muốn hạn chế việc vi phạm quy định và lập ra các lô điển hình để người dân noi theo...
Kế hoạch 3 kênh hoàn thành nâng tầm thành phố cảng này lên hàng lớn nhất và cũng giàu nhất châu Âu. Nhờ những con kênh mới, Amsterdam sở hữu hệ thống giao thông đường thủy hiệu quả nhất thế giới. Hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới có thể đến tận nhà tất cả thương gia ở bên bờ kênh. Một đoàn thuyền chèo nhỏ hàng ngàn chiếc làm công việc chuyển hàng hóa từ tàu lớn ở cảng Amsterdam tới mọi ngóc ngách của thành phố. Hơn 1.000 nhà kho dựng cạnh bờ kênh để nhận hàng từ những chiếc thuyền nhỏ đưa tới. 9 chợ nổi xuất hiện đảm nhận việc cung cấp nhu yếu phẩm cho dân Amsterdam hàng ngày.
Kiệt tác không mùi
Amsterdam trở thành một mẫu mực của thế giới. Người ta bảo các nước Anh, Thụy Điển chịu ảnh hưởng của Amsterdam về xây dựng công trình công cộng và quy hoạch thành phố, Peter Đại đế của Nga tuyển thợ lành nghề, kỹ sư Amsterdam sang giúp xây dựng thành phố Petersburg, một thành phố bên cửa sông với đất đầm lầy tương tự Amsterdam. Hiện nay vẫn có nhiều nhà chuyên môn đến Amsterdam để nghiên cứu học hỏi, chẳng hạn về kiến trúc nhà cổ, về quản lý công trình công cộng...
Khi con tàu sắp chấm dứt chuyến đi, tôi vội hít lấy hít để thử xem mùi kênh thế nào. Có câu chuyện kể rằng Vua Louis, cai trị Hà Lan từ 1806 đến 1811, ra lệnh lấp một con kênh sau dinh thự vì mùi hôi thối của nó làm bà vợ Constance của ông mất ngủ. Kênh bây giờ không bốc mùi hôi thối, không thấy rác rến, được giới thiệu là sạch hơn bao giờ hết, bằng chứng là 20 giống cá và cua bơi lội tung tăng dưới kênh. Nước kênh sạch nhờ áp dụng quy trình thông nước mới thay cho cách dùng cối xay gió thời trước. Quy trình hiện nay thực hiện 3 lần/tuần gồm các bước sau: đầu tiên đóng 14 trong số 16 cửa cống quanh thành phố, kế đó bơm nước sạnh từ hồ IJ vào. Nước cuốn rác bẩn qua cửa cống mở bên phía khác của thành phố. Cuối cùng, tàu trang bị lưới và máy xúc hốt chất bẩn mang đi. Các nhà thuyền được nối với hệ thống cống, tránh xả nước bẩn trực tiếp xuống kênh.
Kênh không rác, không thối là chuyện sống còn của Amsterdam. Nếu nước kênh ô nhiễm nặng thì người dân không sống nổi mà khách du lịch cũng không dám tới. Với khoảng 3 triệu khách du lịch tới Amsterdam mỗi năm, chưa kể khoảng 8 triệu dân thành phố, kênh không rác, không hôi thối cũng là kiệt tác.
Túy Hoa