Ấn Độ củng cố sức mạnh quân sự

Quân đội Ấn Độ hiện được đánh giá là một trong những đội quân lớn mạnh trên thế giới. Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều để phát triển các lực lượng trong quân đội nên nước này sở hữu lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân hùng hậu, đồng thời sức mạnh hạt nhân cũng phát triển đồng bộ tương ứng.
Ấn Độ củng cố sức mạnh quân sự

Quân đội Ấn Độ hiện được đánh giá là một trong những đội quân lớn mạnh trên thế giới. Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều để phát triển các lực lượng trong quân đội nên nước này sở hữu lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân hùng hậu, đồng thời sức mạnh hạt nhân cũng phát triển đồng bộ tương ứng.

        Binh lực hùng hậu

Là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, các chương trình vũ khí của Ấn Độ được triển khai trong thời gian qua nhằm ứng phó cuộc xung đột vũ trang giúp Ấn Độ tạo thế đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của các nước trong khu vực.

Sức mạnh tổng thể của các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang gia tăng nhanh chóng. Trong 5 năm qua, Ấn Độ đã nhập khẩu nhiều vũ khí hiện đại của các nước. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ đã chi tổng cộng 17,3 tỷ USD để mua vũ khí và trang thiết bị của Nga trong giai đoạn năm 2007 - 2011. Ngoài đối tác truyền thống, Ấn Độ cũng mở rộng sang Mỹ và các nước phương Tây. Nước này đang đàm phán với hãng Dassault Aviation (Pháp) mua 126 chiến đấu cơ đa năng Rafale cho không quân nước này.

Hiện Ấn Độ đã có tàu sân bay, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và đang trong quá trình phát triển thế hệ thứ 5. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sở hữu một số loại vũ khí hạt nhân và rất nhiều loại tên lửa.

Xét về sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á, quân đội Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 2, ngân sách quốc phòng hàng năm của nước này lên đến 46,8 tỷ USD. Các chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ sẽ bắt kịp với tốc độ tăng ngân sách cho hoạt động quân sự của Anh, Pháp và Nhật Bản. Về sức mạnh hạt nhân, tuy Ấn Độ không công khai nhưng theo giới chuyên gia quốc tế, nước này đang sở hữu chừng 80 đầu đạn hạt nhân. Trong câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cùng khả năng răn đe hạt nhân, Ấn Độ được xem là kẻ “đến sau” so với các quốc gia khác nhưng lại có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa.

Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu ICBM năm 2012 khi họ phóng thành công tên lửa Agni-V đạt tầm bắn 5.000km. Agni-V là loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-IV. Tên lửa có chiều dài 17,5m, đường kính 2m, trọng lượng phóng 50 tấn, tầm bắn thiết kế từ 5.500 - 8.000km. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có trọng lượng 1.500kg. Ngoài ra, Agni-V cũng có khả năng trang bị nhiều đầu đạn nhắm mục tiêu độc lập theo công nghệ MIRV.

Điểm đặc biệt của ICBM Agni-V là nó được trang bị công nghệ dẫn đường rất tinh vi. Agni-V được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, hệ thống dẫn hướng con quay laser hồi chuyển cùng hệ thống máy tính điều khiển kỹ thuật số, giai đoạn cuối có thể tùy chọn thêm hệ thống dẫn hướng so sánh hình ảnh tương phản. Trên thế giới hiện nay, ngoài Agni-V, chỉ có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident-I/II của Mỹ được trang bị hệ thống dẫn hướng con quay laser hồi chuyển. Nhờ hệ thống dẫn đường tinh vi nên tên lửa có độ chính xác rất cao. Bán kính lệch mục tiêu CEP (sai số vòng tròn xác suất) của Agni-V chỉ khoảng 150m, một con số cực kỳ ấn tượng ngay cả với những cường quốc ICBM như Mỹ, Nga.

Một điểm độc đáo khác là Ấn Độ tự đầu tư nghiên cứu những công nghệ của riêng mình để tạo nên bản sắc riêng chứ không sao chép của nước ngoài để rút ngắn giai đoạn. Dự kiến ICBM Agni-V sẽ được đưa vào trang bị trong lực lượng tên lửa chiến lược Ấn Độ từ năm 2014. Ngoài ra biến thể nâng cấp Agni-VI có tầm bắn tới 10.000km cũng đang được xúc tiến. Dù đi sau nhưng những gì Ấn Độ đạt được trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến cộng đồng quốc tế phải bất ngờ trước những thành quả mà họ đạt được. Thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng, Ấn Độ đã cố tình tuyên bố giảm tầm bắn của tên lửa xuống 5.000km để trấn an các nước trong khu vực, tầm bắn thực tế của Agni-V phải đạt trên 8.000km.

Tên lửa Agni-V đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ các quốc gia sở hữu ICBM.

Tên lửa Agni-V đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ các quốc gia sở hữu ICBM.

        Không ngại đầu tư

Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa công bố hồ sơ dự thầu cho các công ty quốc phòng trong nước, để mua các hệ thống radar giám sát mặt biển trị giá hơn 300 triệu USD cho hải quân. Hải quân Ấn Độ đề xuất mua 31 radar giám sát bề mặt và 1 radar giám sát mô hình huấn luyện để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Số radar giám sát bề mặt này được tính toán để được lắp đặt cùng với nhiều phụ kiện trên các tàu chiến đã được xác định tại nhiều nhà máy đóng tàu ở Ấn Độ.

Theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ, số radar này sẽ hoạt động trên tần số X-band, để tích hợp với hệ thống vũ khí và cảm biến chung của lực lượng tàu chiến Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng yêu cầu các radar giám sát này phải có khả năng theo dõi đồng thời không dưới 50 mục tiêu và theo dõi các mục tiêu nhỏ ở khoảng cách tới 12km trong mọi điều kiện thời tiết.

Ấn Độ có tham vọng đưa lực lượng hải quân của họ trở thành hải quân “nước xanh” (lực lượng hải quân có khả năng tác chiến cách cảng nhà hàng ngàn kilômét) hàng đầu châu Á. Và để thực hiện tham vọng đó, quân đội Ấn Độ có rất nhiều dự án đóng tàu khác nhau ở cả trong nước lẫn đặt hàng nước ngoài để nhanh chóng tăng cường chất lượng, số lượng hạm đội tàu chiến của mình.

Trong số các tàu khu trục đang được đóng mới cho Hải quân Ấn Độ, tàu khu trục lớp Kolkata được đánh giá là một đỉnh cao cả ở công nghệ chế tạo và sức mạnh tác chiến. Lớp tàu này không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh tác chiến mà còn là biểu tượng cho sự lớn mạnh không ngừng của công nghiệp đóng tàu chiến Ấn Độ. Một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết, từ năm 1964 đến nay Ấn Độ đã mua 874 chiếc MiG-21 các loại, hiện nay vẫn còn 264 chiếc đang “tại ngũ”. Không quân Ấn Độ quyết định nâng cấp hệ thống radar đa chế độ Super Kopyo do Nga sản xuất và hệ thống dẫn đường quán tính, sử dụng con quay hồi chuyển laser điều khiển vòng Totem 221G của Pháp chế tạo. Sau khi tiến hành gói nâng cấp này, MiG-21 sẽ phục vụ ít nhất cho đến năm 2019 và từ nay đến đó, nó vẫn sẽ là loại máy bay có số lượng nhiều nhất trong không quân Ấn Độ.

Có thể nói, Ấn Độ đang là một trong những quốc gia chi mạnh tay nhất cho việc nâng cấp sức mạnh quân sự của mình.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục