Trong 3 ngày công du Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hội đàm với người đồng cấp Shinzo Abe về nhiều vấn đề mà nổi bật là hợp tác năng lượng hạt nhân và thu hút đầu tư Nhật Bản vào nền kinh tế Ấn Độ. Nhận định về chuyến công du Nhật Bản và Thái Lan của Thủ tướng Ấn Độ, hầu hết báo chí khu vực đều nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác chiến lược trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản, ông Manmohan Singh tuyên bố mục tiêu chuyến công du Nhật Bản và Thái Lan là để “củng cố thêm ý nghĩa của chính sách hướng về phương Đông và để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh nguyện vọng xây dựng “một chiến lược chung với Nhật Bản” trong ba lĩnh vực an ninh quốc phòng, hạt nhân, thương mại và xem Nhật Bản là “đối tác cốt lõi trong khu vực và trên thế giới”.
Các vấn đề kinh tế được bàn đến trong chuyến thăm này không chỉ là mở rộng luồng đầu tư Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như vào hành lang công nghiệp Mumbai-Delhi mà còn cả về sự hợp tác trong lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân, cũng như đề xuất ký kết hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ các thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản chế tạo.
Sự kiện Ấn Độ - Nhật Bản xích lại gần nhau hiển nhiên là động thái tích cực, trong khi hai quốc gia châu Á hùng mạnh này đã có mối quan hệ từ lâu. Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất ở châu Á, còn với tân Chính phủ Nhật Bản, kinh tế cũng đã xuất hiện những dấu hiệu khôi phục trên nhiều mặt. Vì vậy, mở rộng hợp tác là yêu cầu tự thân và cần thiết không chỉ cho cả hai bên, mà còn là động lực tốt cho việc hình thành không gian kinh tế chung của châu Á.
Nhận xét về bối cảnh chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ, tờ The Indian Express (Ấn Độ) dẫn lời của học giả Raj Mohan - chuyên viên đặc biệt tại Viện Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) - cho rằng, việc thiết lập mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Ấn Độ đóng vai trò trọng tâm trong nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm đưa Nhật Bản trở lại trung tâm của vũ đài châu Á.
Kể từ chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12-2012, ông Shinzo Abe đã tìm cách đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng sa sút về kinh tế, làm hồi sinh tinh thần dân tộc, sửa lại hiến pháp, đòi lại vị trí thích đáng của Nhật tại châu Á.
Giáo sư Hirose Takako, thuộc Trường Đại học Senshu (Nhật Bản), một chuyên gia về lĩnh vực chính trị của Ấn Độ, lưu ý đến khía cạnh Ấn Độ đang thiếu điện trầm trọng và để có thể duy trì được mức tăng trưởng như hiện nay thì Ấn Độ phải giải quyết vấn đề năng lượng bằng mọi cách. Trong khi đó, Nhật Bản đang mong muốn xuất khẩu công nghệ hạt nhân cũng như sản phẩm của mình để ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản có thể tiếp tục phát triển tới một mức độ nhất định.
Chính vì vậy, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang chú trọng tới năng lượng hạt nhân, đặc biệt là việc xuất khẩu các lò phản ứng hạt nhân.
VIỆT ANH (tổng hợp)