Ấn Độ không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về biển Đông

Ấn Độ không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về biển Đông

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 20-5 đưa tin, trong cuộc hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tình hình các đảo tranh chấp trên biển Đông, cho rằng đây là vấn đề nội bộ và các bên hữu quan và các quốc gia khác không nên can thiệp vào.

        Tranh chấp biển Đông là vấn đề quốc tế

Theo Đài tiếng nói nước Nga, phía Trung Quốc đang cố gắng đưa vào dự thảo Tuyên bố chung, văn bản cần được thông qua theo kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ, những điều mục quy định rằng tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuần túy là vấn đề nội bộ của các bên hữu quan và các quốc gia khác không nên can thiệp vào. Tuy nhiên, Thủ tướng Singh cho đây là vùng biển quốc tế và không ủng hộ quan điểm trên.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Phản ứng mới nhất của Ấn Độ cho thấy nước này vẫn không đồng tình trong vấn đề biển Đông của Trung Quốc. Hãng tin ANI dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony cho biết đối với Ấn Độ, tự do hàng hải trên biển Đông là hết sức quan trọng từ trước đến nay. Để đảm bảo lợi ích này, Ấn Độ sẵn sàng hợp tác hải quân với các nước trong khu vực. Việc Trung Quốc có ý định chủ trương nội bộ hóa vấn đề biển Đông làm Ấn Độ hết sức quan ngại. Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích của mình nếu cần thiết.

Hơn 55% quá cảnh thương mại Ấn Độ đều phải đi qua biển Đông. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng từng tuyên bố: “Ấn Độ và ASEAN cần tăng cường hợp tác an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật pháp quốc tế”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony khẳng định, tranh chấp lãnh hải ở biển Đông cần được giải quyết triệt để theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 UNCLOS. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Ấn Độ hợp tác với các quốc gia trong khu vực biển Đông hoàn toàn phù hợp với chính sách hướng Đông của nước này.

        Hợp tác trong nghi ngại

Tuy không đồng nhất về quan điểm vấn đề biển Đông nhưng Thủ tướng hai nước Trung - Ấn đều khẳng định quan hệ giữa hai nước có tầm quan trọng chiến lược, việc đẩy mạnh hợp tác thiết thực giữa hai nước và thực hiện phát triển chung sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Hai nước đã ký kết 8 thỏa thuận hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ (MoU) về nhập khẩu thịt trâu và một số sản phẩm khác của Ấn Độ, thỏa thuận liên quan đến thương mại, đầu tư và tăng cường giao lưu giữa hai bên.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý giải quyết những mâu thuẫn về tranh chấp biên giới, điều vốn được cho đã phủ bóng đen lên chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường. Trong 10 năm qua, Trung Quốc cùng Ấn Độ đã có 15 vòng đàm phán về vấn đề biên giới nhưng không mang lại kết quả khả quan nào.

Tuy chủ trương là tăng cường hợp tác nhưng dư luận quốc tế cho rằng hai bên vẫn còn nghi ngại. Ấn Độ nhiều lần bày tỏ lo ngại vì Trung Quốc ngày càng gần gũi với Pakistan, quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ và đã xảy ra những cuộc chiến tranh. Các kế hoạch “Tây tiến” của Bắc Kinh với những dự án lớn ở Sri Lanka, Bangladesh, Nepal đang được nước láng giềng dõi theo với sự thận trọng hiếm thấy. Trong khi đó, chiến lược “Đông tiến” của Ấn Độ qua sự hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia Đông Nam Á, sự xích lại với Nhật Bản khiến Trung Quốc không thể không lưu tâm.

Trong vài năm trở lại đây, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng mạnh nhưng có dấu hiệu sụt giảm vào năm ngoái, với kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 66,5 tỷ USD, giảm so với mức 74 tỷ USD năm 2011. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Nam Á.

THANH HẰNG (tổng hợp) 

>> Thủ tướng Trung Quốc công du Ấn Độ

Tin cùng chuyên mục