
Chính quyền New Delhi (MCD) đang dự tính cấm hơn 400.000 xe đạp thồ chở khách (rickshaw-wallah) tham gia lưu thông. Động thái này nhằm góp phần nâng tầm thủ đô của Ấn Độ đạt tầm cỡ “thành phố thế giới” và đó cũng là một cách để New Dehli tổ chức Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung 2010.

Xe đạp thồ ở New Dehli.
Xe đạp thồ ở New Dehli hiện vẫn hoạt động tấp nập, kể cả ở những con đường mới rộng hơn, với các bác tài thong dong đạp xe tìm và chở khách, giữa những dòng xe hơi, xe buýt và xe tải. Nhưng tới đây, MCD sẽ chỉ cho khoảng 100.000 xe đạp thồ trong tổng số hơn nửa triệu xe thồ đang lưu hành trên các đường phố của New Dehli được phép hoạt động.
Các “tài xế” này phải trải qua một cuộc thi bắt buộc để lấy bằng lái cũng như kiểm tra sức khỏe. Sau đó mỗi tài xế được cấp một bằng lái “thông minh” có gắn chip điện tử để lưu trữ thông tin cá nhân. Trước khi thực hiện chủ trương này, MCD dự tính tổ chức 12 điểm kiểm tra, học lái rickshaw-wallah nhằm thiết lập lại an toàn lưu thông trên đường phố.
MCD cũng đề nghị hạn chế khu vực cho phép xe thồ lưu thông và cấm dân tạm cư không được lái rickshaw wallah. Người muốn được lái xe thồ phải là dân thường trú tại New Delhi từ một năm trở lên “để bảo đảm người lái xe thồ ý thức được việc tuân thủ an toàn giao thông tại thủ đô” -MCD nói. MCD hy vọng các biện pháp này sẽ giúp xe thồ bảo đảm an toàn hơn cho tài xế và hành khách, cũng như để kéo giảm nạn kẹt xe trên nhiều con đường của thủ đô.
Hạn chế xe đạp thồ là giải pháp mới nhất để tạo mỹ quan đô thị của MCD sau khi đã cấm bán thức ăn ngoài đường phố, không cho bò và khỉ “lang thang” ngoài đường và cấm người ăn xin trên hè phố.
Nhiều tài xế rickshaw wallah tỏ ý bức xúc về chủ trương hạn chế xe đạp thồ. Họ nói chính quyền đã cắt nguồn thu nhập của gia đình họ. Anh Topesh Mandal 30 tuổi, từ vùng quê lên New Delhi kiếm sống, mới theo nghề này được hai tháng. Như bao đồng nghiệp, anh từng là nông dân kiếm được khoảng 50 rupee/ngày, nhưng phải đi làm thêm khi nông nhàn.
Hiện mỗi ngày anh đạp xe thồ, kiếm được khoảng 200 rupee/ngày, trừ 25 rupee tiền thuê xe và chi phí ăn ở khoảng 80 rupee nữa, anh vẫn còn khoảng 100 rupee. Số tiền này anh gởi về quê nuôi mẹ già yếu, vợ và hai con. Mandal cho biết gia đình anh rất lo âu cho tương lai.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng MDC đang phá hỏng một loại hình lưu thông bình dân và là loại xe duy nhất thân thiện với môi trường. Đáng lưu ý là xe đạp thồ là phương tiện lưu thông phổ biến từ khi Ấn Độ độc lập năm 1947, nên đã trở thành một phần di sản văn hóa của thành phố.
Xe kéo đã được thực dân Anh áp dụng tại Dehli từ những năm 1930, đến khi độc lập thì bị Chính phủ Ấn khai tử do “bóc lột sức người” và thay thế bằng xe đạp thồ. Ban đầu Chính phủ chỉ cấp 500 giấy phép. Sau đó, lượng xe thồ đạp tăng lên nhanh chóng khiến việc cấp giấy phép lưu hành cho loại xe này không theo kịp so với nhu cầu. Từ năm 1998 đến nay, chỉ có thêm khoảng 74.000 xe được cấp giấy phép, số còn lại (chiếm khoảng 85% xe đạp thồ đang lưu hành ở New Dehli) thuộc diện “làm chui”.
Trần Trí
(Theo Times)