Ấn Độ: Ngân hàng nhờ “giang hồ” đòi nợ

Ấn Độ: Ngân hàng nhờ “giang hồ” đòi nợ

Theo tờ Forbes, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Delhi (Ấn Độ) vừa phạt ICICI Bank 1 triệu rupee (128.000 USD), vì nhà băng tư nhân lớn thứ nhì Ấn Độ này để nhân viên thu hồi nợ hành hung và tịch thu xe của một con nợ.

Hành vi của “bọn ăn cướp”

Ấn Độ: Ngân hàng nhờ “giang hồ” đòi nợ ảnh 1
Người dân xếp hàng chờ vay tiền ICICI Bank.

Câu chuyện bắt đầu từ vụ ICICI Bank muốn đòi ông thợ nề Tapan Bose trả nợ số tiền 34.000 rupee mà ông đã vay để mua một chiếc xe hơi hiệu Maruti Swift. Do ông Bose không trả nợ vay đúng kỳ hạn 3 lần, ICICI quyết định nhờ các “nhân viên” thu hồi nợ.

Ông Bose may mắn thoát khỏi vụ hành hung nhờ đang cùng người bạn ngồi trong một hộp đêm. Nhưng Vinod Kumar 21 tuổi, con trai người bạn đang ngồi trong chiếc xe của ông bị 3 gã lạ mặt xộc đến, lôi ra khỏi xe và dùng thanh sắt đập liên hồi vào lưng và đầu, sau đó bỏ mặc nạn nhân trong vũng máu cùng với chiếc xe của ông Bose. Kumar được đưa vào bệnh viện cấp cứu, khâu 17 mũi ở đầu, lưng và phải nằm viện hơn 2 tuần.

ICICI bị tòa án tuyên phải bồi thường 500.000 rupee cho ông Bose, đồng thời phải xóa món nợ cho ông này và phải nộp 50.000 rupee án phí vào một quỹ bảo vệ người tiêu dùng. Khi bào chữa, ICICI nói họ không hề cho phép nhân viên thu hồi nợ ứng xử “côn đồ” và họ sa thải vị giám đốc phụ trách khâu thu hồi nợ, do ông này đã thuê  nhóm đòi nợ “xã hội đen”.

ICICI cũng tố cáo ông Bose đòi đưa 114.000 USD để bãi nại và dọa sẽ kiện lên tòa án cấp cao hơn.

Tuy nhiên, thẩm phán J. D. Kapoor của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói rằng không có xã hội văn minh nào lại áp dụng hành vi đòi nợ giống như “bọn ăn cướp”. Ông nói ICICI làm ăn không chính đáng, vi phạm thỏa thuận vay tiền khi tịch thu tài sản cá nhân (chiếc xe của ông Bose) một cách bất hợp pháp.

Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) đã cảnh cáo các nơi cho vay phải chịu trách nhiệm về những vụ tương tự và cùng chính phủ xem xét khả năng thông qua một dự luật cho phép ấn định thời gian cho vay, các điều kiện vay cũng như các biện pháp kéo giảm chuyện thu hồi nợ kiểu “giang hồ”.
 
“Tiếp thị năng nổ”

Những năm gần đây, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh, giúp nhiều người mau giàu. Các ngân hàng như ICICI, Citibank, HDFC… triển khai các dịch vụ giúp người đi vay mau có tiền mua nhà, xe cùng những khoản chi lớn khác.

Theo HSBC, thị trường cho vay  ở Ấn Độ đã tăng trưởng gấp 11 lần trong 5 năm qua. Nhưng các ngân hàng này cũng bị chỉ trích là “tiếp thị năng nổ”, như thường xuyên gọi điện thoại để chèo kéo khách hàng, mà không nghiên cứu kỹ khả năng trả nợ vay của họ. Chính vì thế số người trốn trả nợ vay ngày càng tăng khiến các ngân hàng Ấn Độ càng phải chịu sức ép thu hồi vốn cho vay để bảo vệ đồng vốn. Họ nhờ đến những công ty thu hồi nợ với lời hứa sẽ chi “hoa hồng” cao. Thế là các công ty thu hồi nợ này cho phép nhân viên của mình áp dụng các biện pháp đòi nợ kiểu “giang hồ”. Một số vụ đe dọa đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Cách đây hai tháng ở Bombay, ông Prakash Sarvankar 38 tuổi là cha của 3 người con đã treo cổ tự sát do mất khả năng trả món nợ vay 50.000 rupee của ICICI. Trong thư tuyệt mệnh ông nêu rõ các tay thu hồi nợ đã đe dọa ông và gia đình. Sau đó ICICI phải đồng ý bồi thường 39.000 USD cho gia đình nạn nhân.

Tương tự, nhà khoa học CLN Murthy của Viện công nghệ hóa học ở Hyderabad (miền Nam Ấn Độ) cũng bị những người thu hồi nợ xé áo sơ mi, cạo sạch hàm râu và mái tóc, dùng dây điện áp vào ngực để đòi ông trả món tiền 25.000 USD vay của ICICI. Theo cảnh sát  Hyderabad, đã có 9 người tự tử ở bang Andhra Pradesh do bị các tay thu hồi nợ áp dụng các biện pháp đòi nợ theo kiểu nhục mạ con nợ. Từ đầu năm đến nay, tại Hyderabad có khoảng 32 vụ đòi nợ kiểu “xã hội đen” và cảnh sát hình sự đang xem xét 100 vụ tương tự.

Trần Trí
(Theo báo nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục