Ấn Độ nỗ lực cứu đồng rupee

Đồng rupee và chỉ số chứng khoán Sensex của Ấn Độ tiếp tục mất giá sau khi thị trường tài chính nước này trải qua ngày giao dịch ảm đạm mà giới truyền thông nước này gọi là “ngày thứ năm đen tối”. Chính phủ Ấn Độ đang sử dụng mọi biện pháp để cải thiện tình hình.
Ấn Độ nỗ lực cứu đồng rupee

Đồng rupee và chỉ số chứng khoán Sensex của Ấn Độ tiếp tục mất giá sau khi thị trường tài chính nước này trải qua ngày giao dịch ảm đạm mà giới truyền thông nước này gọi là “ngày thứ năm đen tối”. Chính phủ Ấn Độ đang sử dụng mọi biện pháp để cải thiện tình hình.

        3 nguyên nhân lớn

Theo Reuters, đồng rupee và chỉ số chứng khoán trong phiên mở cửa ngày 22-8 tiếp tục mất giá với 65 rupee ăn 1 USD trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng (IFEM); chỉ số Sensex giảm 76 điểm xuống còn 17.829,91 điểm. Trước đó, trong phiên 19-8, đồng tiền này ở mức 63,13 rupee/USD vào lúc đóng cửa. Đây là mức mất giá nghiêm trọng nhất của đồng nội tệ Ấn Độ tính theo ngày trong vòng 10 năm qua.

Theo các nhà đầu tư ngoại hối Ấn Độ, nhu cầu đồng USD từ các ngân hàng và các nhà nhập khẩu trong bối cảnh thị trường chứng khoán yếu khiến các nhà đầu tư rút vốn bằng đồng rupee chuyển sang mua USD, là một trong những nguyên nhân khiến đồng tiền Ấn Độ tiếp tục lao dốc.

Giới chuyên gia cho rằng có 3 nguyên nhân lớn: Thứ nhất, những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ và một số dấu hiệu phục hồi kinh tế chớm xuất hiện tại châu Âu và Nhật Bản đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút vốn khỏi thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Ấn Độ. Hai là, xuất hiện tin đồn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ rút dần chương trình kích thích kinh tế, động thái đẩy lãi suất của các ngân hàng Mỹ tăng cao. Ba là, nguyên nhân nội tại khiến đồng rupee tiếp tục mất giá là do thâm hụt tài khoản vãng lai, thâm hụt tài chính và nhu cầu sử dụng USD để nhập khẩu.

Các nhà đầu tư chứng khoán và ngoại hối lo lắng vì giá đồng rupee liên tục giảm.

Các nhà đầu tư chứng khoán và ngoại hối lo lắng vì giá đồng rupee liên tục giảm.

Đồng rupee yếu khiến các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ, phải chi nhiều tiền hơn để mua USD thanh toán các hóa đơn nhập khẩu và giá bán lẻ nhiên liệu trong nước sẽ tăng kéo theo cước phí giao thông vận tải tăng theo, dẫn tới tỷ lệ lạm phát sẽ cao hơn. Nếu lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ khó cắt giảm lãi suất cho vay - một biện pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

        Biện pháp cứu vãn

Ấn Độ đã ban hành các biện pháp siết chặt dòng chảy ngoại hối ra nước ngoài, đồng thời tăng thuế nhập khẩu vàng trong nỗ lực mới nhằm làm tăng giá trị của đồng rupee và ghìm lạm phát. Thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố Ấn Độ không thể rơi vào cuộc khủng hoảng thanh toán như năm 1991, khi nguồn dự trữ ngoại hối của Ấn Độ năm 1991 chỉ đủ cho nhu cầu trong 15 ngày, còn dự trữ ngoại hối hiện nay đủ cho nhu cầu trong 6-7 tháng (gần 300 tỷ USD). Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái của đồng rupee hiện nay được thả nổi theo thị trường chứ không bị ấn định như năm 1991.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Chidambaram cũng tái khẳng định cam kết thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai - nguyên nhân chính gây nên sự mất giá của đồng rupee - xuống mức 3,8% GDP trong tài khóa hiện nay và nói rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ không để đồng tiền này “được phép” rơi tự do. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ mới đây cũng đã đưa ra những biện pháp mới nhất nhằm hỗ trợ đồng rupee, trong đó có việc cắt giảm lượng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của người Ấn Độ. Các công ty Ấn Độ bây giờ chỉ được phép đầu tư 100% giá trị ròng của doanh nghiệp ra nước ngoài, thay vì được phép đầu tư tới 400% như trước đây. Tương tự, các công dân Ấn Độ hiện cũng chỉ được đưa ra nước ngoài 75.000 USD/năm so với mức 200.000 USD/năm.

Chính phủ còn yêu cầu các khu vực công và các cơ quan tài chính thu hút quỹ ở nước ngoài, thay vì biện pháp bán trái phiếu chính phủ cho nhà đầu tư nước ngoài; quyết định nâng trần và nới lỏng quy chế đối với đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong nhiều lĩnh vực, kể cả quốc phòng, đặc biệt mức trần FDI cho lĩnh vực viễn thông nâng lên đến 100%.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục