Ấn Độ quyết tâm “Hành động phía Đông”

Chính phủ liên minh Dân chủ quốc gia (NDA), do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã quyết định lấy tên “Hành động phía Đông” thay cho “Chính sách hướng Đông” - một chính sách đối ngoại quan trọng được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20, dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, nhằm củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Ấn Độ quyết tâm “Hành động phía Đông”

Chính phủ liên minh Dân chủ quốc gia (NDA), do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã quyết định lấy tên “Hành động phía Đông” thay cho “Chính sách hướng Đông” - một chính sách đối ngoại quan trọng được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20, dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, nhằm củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Tạo điều kiện phát triển khu vực Đông Bắc

Báo Hindustan Times ngày 5-10 cho biết, sự thay đổi trên được nêu trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30-9. Các quan chức Ấn Độ giải thích sự thay đổi trên không mang động cơ chính trị, mà cho rằng “Hành động phía Đông” cũng giống như chính sách hướng Đông.

Về chính sách, Thủ tướng Modi quan tâm xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho khu vực Đông Bắc Ấn Độ.

Ngành công nghiệp dệt của Ấn Độ cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - ASEAN diễn ra ở thủ đô Nai Pyi Taw của Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố quan hệ của Ấn Độ với 10 nước ASEAN đã đạt đến một giai đoạn quan trọng, có thể được nâng lên với kế hoạch hành động 5 năm, bắt đầu từ năm 2016.

Bà Swaraj nhấn mạnh đến kết nối thương mại, đầu tư và du lịch để mang lại một sự hòa nhập liền mạch của không gian kinh tế, cho phép tối ưu hóa tiềm năng đa dạng của con người và tài nguyên của hai bên. Bà hy vọng các bộ trưởng thương mại và kinh tế sẽ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư khi họ gặp nhau vào cuối tháng này và nhất trí về các phương thức để thành lập Trung tâm Đầu tư - Thương mại ASEAN - Ấn Độ. Như một phần của kế hoạch, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấp thị thực ngay tại cửa khẩu tới một số quốc gia khác nữa trong ASEAN.

Liên kết Nam Á với Đông Nam Á thông qua Myanmar sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Singapore - đối tác thân cận của Ấn Độ - đang giúp Ấn Độ triển khai hai trong số những sáng kiến quan trọng của Thủ tướng Modi là xây dựng thành phố thông minh và phát triển kỹ năng.

Sức mạnh cho các giải pháp toàn cầu

Báo Times of India trước đó dẫn nghiên cứu của tổ chức Standard Chartered cho biết, xuất khẩu của Ấn Độ sang khối 10 nước ASEAN dự kiến sẽ đạt được 280 tỷ USD trong 10 năm tới, chiếm 15% trong thị phần xuất khẩu của Ấn Độ. Hành lang thương mại Ấn Độ - ASEAN, hiện đạt giá trị khoảng 80 tỷ USD, đang phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 23% trong một thập kỷ qua. Trong năm tài chính 2013 – 2014, xuất khẩu của Ấn Độ sang khối ASEAN là 33,13 tỷ USD.

Theo Standard Chartered, Ấn Độ có lợi thế về dược phẩm, dệt may, đá quý và đồ trang sức, sắt thép… trong khi khối ASEAN có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và điện tử. Hiện Ấn Độ có 6 lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu như các sản phẩm dầu khí, hóa chất hữu cơ, phương tiện giao thông, dược phẩm, đồ trang sức, quần áo và phụ kiện.

Ấn Độ đã đề xuất với Thái Lan và Myanmar bắt đầu các cuộc đàm phán Hiệp định vận tải quá cảnh sớm nhất để có thể ký kết vào thời điểm hoàn thành tuyến đường cao tốc ba bên vào năm 2016. Ngoại trưởng Sushma Swaraj cũng đã mời ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự Đối thoại Delhi VII diễn ra vào ngày 11-3-2015 và đề nghị mở rộng Chương trình trao đổi truyền thông thêm 3 năm nữa.

Theo bà Swaraj, sau hai thập kỷ hướng Đông và cũng là hai thập kỷ thiết lập quan hệ với ASEAN. ASEAN và Ấn Độ có thể cùng mang lại sức mạnh cho các giải pháp toàn cầu về an ninh năng lượng và lương thực, quản lý thiên tai và phát triển bền vững.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục