
Việc kinh doanh, xuất nhập khẩu tóc người từ Ấn Độ sang Trung Quốc (TQ) đang bùng nổ, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, việc làm cho người dân. Tại Ấn Độ, tóc “đền”, tóc rụng đều được thu gom để xuất khẩu sang TQ; từ TQ những món tóc này lại bay sang Mỹ, sang Hàn Quốc…
Con đường của tóc

Trong xưởng xử lý tóc tại Ấn Độ.
Tại Bhagyanagar, một làng ở đông nam bang Karnataka, Ấn Độ, tóc được phơi trên những con đường, trên các mái nhà. Thay cho những nong ớt đỏ thường thấy hoặc rơm rạ, nơi đây lại bày đầy tóc bùm xùm: tóc đen, tóc xám tiêu, tóc dài cả thước.
Thật khó mà tưởng tượng những món tóc mất sức sống này được kết vào đầu của một phụ nữ Ấn Độ, được tết đủ kiểu. Càng khó tưởng tượng hơn nữa tóc này chu du mọi nẻo đường đến TQ, rồi biến thành những đầu tóc giả kiểu duỗi hoặc quăn bóng mượt được phụ nữ Mỹ, châu Phi tìm mua. Quả thật những lao động nữ Ấn Độ không hề biết con đường đi của tóc mà họ xử lý hàng ngày. Họ chỉ biết họ được trả tiền để mua lương thực, chi phí cho sinh hoạt. Đó là một việc làm tốt. “Tôi sẽ làm việc ở đây cho đến khi có chồng”, cô gái 17 tuổi tên Sangeeta Devakolla nói. Cô kiếm được 35 rupee/ngày tại Xí nghiệp Vinayak, một trong số 135 đơn vị chế biến tóc trong làng này. Bên trong xưởng, sàn nhà đầy những đụn tóc rối, được công nhân gỡ, chải…
Việc buôn bán tóc người làm nhiều người ở Ấn Độ và TQ phát tài nhanh. Với việc mở rộng thị trường bán lẻ ở Mỹ và châu Phi, TQ đang gia tăng nhập khẩu tóc Ấn Độ, tạo hàng chục ngàn việc làm cho các dân làng Ấn Độ. Trong ngành công nghiệp này, TQ hiện là nhà sản xuất, chế biến lớn nhất và họ đang vượt ra khỏi thị trường người Mỹ gốc Phi lâu nay để hướng đến thị trường người da trắng. Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ, từ tháng 4-2006 đến tháng 3-2007 nước này đã xuất khẩu tóc trị giá 51 triệu USD sang TQ, tăng 25% so với năm trước đó và chiếm 2/3 tổng doanh số xuất khẩu tóc. Tuy nhiên những người trong ngành cho rằng con số thực tế lớn hơn nhiều. MM Gupta, người đứng đầu Xí nghiệp Gupta, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tóc hàng đầu Ấn Độ, đoan chắc rằng xuất khẩu tóc của Ấn Độ đạt 175 triệu USD năm ngoái và năm nay sẽ đạt 250 triệu USD.
Tóc “đền” và tóc rụng đem lại công ăn việc làm

Một cửa hàng tóc giả ở Trung Quốc.
Trong ngành công nghiệp tóc, tóc Ấn Độ được phân biệt 2 loại chủ yếu: tóc “đền” và tóc rụng. Tóc “đền” có được do cạo đầu người mộ đạo kéo đến các đền thờ đạo Hindu, như đền Sri Venkateswara ở bang Andhra Pradesh. Loại tóc này được yêu thích, nhưng chỉ chiếm 10% đến 20% tóc xuất khẩu của Ấn Độ. 80% đến 90% tóc xuất khẩu là tóc rụng mua gom từ các gia đình.
Các làng chế biến tóc phần lớn nằm bên ngoài New Delhi và Calcutta, hoặc rải rác ở các quận nông thôn bang Andhra Pradesh và Karnataka. Các công ty TQ chuộng mua tóc rụng do giá thấp. 1kg tóc “đền” dài 50cm là 225 USD (cuối tháng 5-2007) trong khi tóc rụng chỉ 85 USD, giúp họ có thể giữ giá bán sỉ và lẻ thấp. Giám đốc điều hành Hawkins Guan của Dragon Proof ở Hồng Công nói họ có thể xử lý để tóc rụng gần giống với tóc “đền”. Tóc người Ấn Độ nổi tiếng mềm mịn, dễ tạo kiểu, nhuộm màu không gặp vấn đề gì so với tóc người TQ khá cứng. Doanh nghiệp TQ cũng có thể mua tóc từ Việt Nam và Indonesia, nhưng Ấn Độ với 1,1 tỷ dân vẫn là lá bài chủ về số lượng.
Tại Ấn Độ, đội quân thu gom đi khắp các làng mạc. Họ đổi kem cho trẻ nhỏ, hoa nhựa, tượng gốm nhỏ, quần áo, đồ nữ trang rẻ tiền… cho phụ nữ để lấy 1 hay 2 lọn tóc. Những bao tóc sau đó được đưa đến nơi chế biến. Làng Bhagyanagar là một nơi như vậy. Cả làng sống nhờ vào ngành công nghiệp tóc. Rất nhiều công việc đang chảy vào Bhagyanagar và cả 7 làng lân cận, thu hút 10.000 người địa phương. Người dân ở đây “giàu” lên so với những nơi khác nông dân không có đất chỉ kiếm được 25 rupee/ngày công oằn lưng trên đồng. Nói vậy nhưng ngôi làng trông không thịnh vượng lắm. Những con đường không được lát. Hệ thống thoát nước rất tệ, cư dân không có được nước uống sạch. Nhưng ở đây xi măng đã thay thế cho gạch bùn dùng trong nhà. Khoảng 150 tổ chức tự lực đã xuất hiện, giúp đỡ những lao động nữ tiết kiệm 40 rupee/tuần.
Cạnh tranh trong ngành công nghiệp tóc
Ngành công nghiệp tóc đem lại thu nhập cho người dân nhưng cũng làm suy yếu sức khỏe của họ. Bác sĩ của Trung tâm y tế ở Bhagyanagar cho biết hơn 40% mắc bệnh liên quan đến hô hấp, do những phân tử bụi cực nhỏ thải ra trong suốt quá trình chế biến tóc và gây bệnh phổi. Ngành y tế khuyên tạo môi trường làm việc vệ sinh hơn, yêu cầu mang khẩu trang. Tuy nhiên chẳng mấy ai làm theo. |
TQ và Ấn Độ có lúc đã cạnh tranh để cung cấp tóc cho nhà máy làm tóc giả đồ sộ tại Hàn Quốc. Nhưng rồi những nhà đầu tư Hàn Quốc đã chuyển hoạt động của họ đến TQ vì có lợi hơn. Và như trong những ngành công nghiệp khác, người TQ nhanh chóng rành rẽ về kỹ thuật. Ngày nay, nhà sản xuất lớn nhất Henan Rebecca, được đặt tại Xuchang, tỉnh Hà Nam với 10.000 công nhân, trong khi những nhà máy trung bình có khoảng 1.000 đến 5.000 công nhân.
Có lẽ choáng ngợp bởi quy mô của những nhà đầu tư và sản xuất TQ, Ấn Độ chưa khai trương nhà máy tóc giả của riêng mình. Ngay tại TQ, các công ty nhỏ cũng đang cố gắng cạnh tranh với những nhà sản xuất khổng lồ như Henan Rebecca. Henan Rebecca năm ngoái xuất khẩu 120 triệu USD tóc giả và dự kiến sẽ tăng 20% trong năm nay. Công ty cũng chú trọng thị trường nội địa, đã mở một cửa hàng lớn tóc giả tại Bắc Kinh và chuẩn bị mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ khác. Do sự cạnh tranh, giá nguyên liệu tóc rụng đang tăng lên và nhiều nhà máy nhỏ gần đây đã phá sản. Ăn nên làm ra, Henan Rebecca đang đẩy mạnh phát triển công nghệ, tăng cường sản xuất xâm nhập thị trường người da trắng. Năm nay công ty đặt kế hoạch mua 800 tấn tóc của Ấn Độ, tăng 200 tấn so với năm ngoái. Các doanh nghiệp đánh giá nhu cầu tóc giả còn tăng và họ còn có thể mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Lệ Thư
(Theo Standard)