Đời sống kinh tế phát triển, bữa ăn của người dân không ngừng cải thiện, nhưng ngày càng bất hợp lý. Lượng thịt, mỡ, đường… được người dân, nhất là ở các đô thị sử dụng quá mức hàng ngày khiến số người bị thừa cân, béo phì, đặc biệt là ở trẻ em gia tăng nhanh chóng.
Mỡ, đạm hóa bữa ăn
Dù cuối giờ chiều nhưng Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì của Viện Dinh dưỡng quốc gia vẫn rất đông bệnh nhân. Đưa đứa con nhỏ chừng 6 - 7 tuổi bước nặng nề tới bàn tư vấn, chị Ngô Thanh Tú (33 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cũng chỉ vì sợ con ốm yếu, không đủ sức đi học nên gia đình chị đã cho con ăn uống thả phanh, nhất là với thịt, trứng sữa và đồ ngọt nên bây giờ dù mới học lớp 2 nhưng cậu bé đã nặng tới hơn 46kg. “Cơ thể bị béo phì quá mức nên cháu rất ngại tham gia các hoạt động ở trường và còn bị bạn bè chế giễu nên việc học tập cũng bị ảnh hưởng…”, chị Tú tâm sự.
Bác sĩ Lê Thị Hải, Trưởng trung tâm cho biết, lâu nay, số người bệnh đến với trung tâm tăng đều đặn, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng tới tư vấn, khám điều trị về dinh dưỡng. Bởi lẽ nhiều người vẫn ngộ nhận là cứ ăn thật nhiều là cơ thể khỏe, không ốm đau gì.
Trong khi đó, TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thẳng thắn chỉ ra, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập, chế độ dinh dưỡng của người Việt trong 10 năm qua đã thay đổi rất nhiều, nhưng ngày càng bất hợp lý. Khẩu phần ăn hợp lý được các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế khuyến cáo là ăn nhiều rau quả và cá, ít thịt nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Lượng thịt tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi còn rau xanh lại giảm đi rõ rệt. Hiện trung bình một ngày một người dân Việt Nam chỉ ăn khoảng 160g rau xanh và hoa quả, bằng 50% so với mức khuyến cáo. Đặc biệt ở vùng thành thị và các TP lớn, bữa ăn hàng ngày có quá nhiều đạm, mỡ; đặc biệt số trẻ em sử dụng các đồ ăn nhanh, nhiều thịt, mỡ và đồ ngọt ngày càng phổ biến. Đáng lo ngại hơn, bữa ăn của người dân Việt Nam đang ngày càng mất đi tính đa dạng, thiếu cân bằng và bị… mỡ hóa, đạm hóa. Trong khi đó, tổng năng lượng bình quân trong một bữa ăn của người dân nước ta còn thấp hơn rất nhiều so với khẩu phần năng lượng tối ưu mà nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt được nhưng hàm lượng mỡ, đạm trong bữa ăn người Việt Nam lại cao hơn.
Nguy hại
Chất lượng bữa ăn dù được cải thiện đáng kể nhưng lại đang bất hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, sức khỏe của người dân và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho thế hệ tương lai. Tổng điều tra mới nhất về dinh dưỡng quốc gia cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng rất nhanh tình trạng thừa cân, béo phì.
Cả nước hiện có gần 6% trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thừa cân và béo phì, đặc biệt ở các đô thị, TP lớn tỷ lệ này lên tới 12% - 15%, cao hơn 6 lần so với cách đây 10 năm. Đáng lo ngại hơn, ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng chóng mặt với tỷ lệ 8,3% chung trong cả nước. Trong đó cao nhất là TPHCM lên tới 19%, có nghĩa cứ 5 - 6 trẻ trong độ tuổi học đường thì có 1 trẻ bị thừa cân béo phì. Đặc biệt, không chỉ có thế hệ tương lai bị thừa cân, béo phì mà ngay cả nhóm tuổi thanh niên cũng có tỷ lệ béo phì rất cao và tăng nhanh nhất ở nhóm 50 - 60 tuổi.
Trẻ nhỏ và người lớn bị thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động, học tập và công việc mà còn phải đối mặt với nhiều bệnh tật không lây nhiễm nguy hiểm. Đó là các bệnh về chuyển hóa, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch. Qua điều tra cho thấy, hiện nay, có không ít trẻ nhỏ mới chỉ 7 - 8 tuổi đã bị mắc đái tháo đường, gút; cả nước có khoảng 6% - 7% dân số mắc đái tháo đường; 26% người trong độ tuổi 25 - 74 loạn mỡ máu. Riêng khu vực các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ này còn cao hơn lên tới gần 40%.
|
MINH KHANG