Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, các địa phương đã khám được 327.346 người cao tuổi (NCT), trong tổng số 1.110.046 người từ 60 tuổi trở lên và chỉ mới đạt được 29,5% so với dân số. 4 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe NCT đạt trên 50% là Phú Nhuận, Quận 6, Cần Giờ, đặc biệt huyện Bình Chánh đạt 72% so với dân số NCT và ước tính cuối tháng 12, huyện Bình Chánh đạt 80%.
5 quận, huyện có tỷ lệ khám sức khỏe NCT đạt trên 30% (Nhà Bè, Củ Chi, quận 4, Bình Tân và quận 5). Các quận, huyện còn lại có tỷ lệ dưới 30% và đặc biệt quận 1 có tỷ lệ thấp nhất (đạt 14,5%).
Theo Sở Y tế, trong số hơn 327.000 NCT được khám sức khỏe, có 201.544 NCT (chiếm 61,6%) bị tăng huyết áp, 25,68% NCT mắc và nghi ngờ đái tháo đường, 0,26% NCT có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,3% NCT có nguy cơ té ngã; 2,2% NCT có các hoạt động sống cơ bản hàng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển) cần người khác hỗ trợ và 7,9% NCT có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...) cần người khác hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng nhờ hoạt động khám sức khỏe NCT, thành phố đã phát hiện thêm 49.197 người bị tăng huyết áp, 26.375 người nghi ngờ đái tháo đường.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, hiện dân số NCT chưa thống nhất, số liệu dân số do Công an TPHCM cung cấp và thực tế do UBND quận, huyện cung cấp có sự chênh lệch cao do đó gây khó khăn cho công tác rà soát danh sách NCT trên địa bàn khu phố và NCT đã khám, chưa khám, từ chối do giai đoạn phân chia khu phố mới.
Mặt khác, một số trạm y tế có trang thiết bị chưa đáp ứng kịp thời, đặc biệt một số quận, huyện thiếu máy siêu âm nên tỷ lệ siêu âm thấp. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen chú ý đến sức khỏe bản thân, chưa có thói quen khám, tầm soát bệnh tật sớm; khi mắc bệnh thì họ nghĩ đến bệnh viện và chính vì vậy mà người cao tuổi không tham gia khám sức khỏe tại các trạm y tế, trung tâm y tế.