An ninh ở eo biển Malacca?

An ninh ở eo biển Malacca?

Nằm ở vị trí chiến lược khu vực Đông Nam Á, eo biển Malacca, nơi qua lại của 1/4 các chuyến tàu thương mại trên thế giới, đang là nơi thu hút hoạt động của bọn cướp biển và khủng bố. Thời gian gần đây, đề nghị của Mỹ đưa quân tới đây ngăn chặn khủng bố đã bị các nước trong khu vực eo biển phản đối.

 

Vị trí chiến lược và nguy cơ khủng bố

 

An ninh ở eo biển Malacca? ảnh 1
Eo bien Malacca

Eo biển Malacca kéo dài 900km tiếp giáp các nước Indonesia , Malaysia Singapore . Mỗi năm, có 50.000 lượt tàu chở khoảng ¼ tổng số lượng sản phẩm thương mại giao dịch trên toàn cầu. Số lượng lượt tàu này gấp đôi so với khu vực kênh đào Suez ở Ai Cập và gần gấp ba so với kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Chỉ riêng dầu thô, mỗi ngày có hơn 10 triệu thùng dầu chở từ Trung Đông tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản qua eo biển Malacca. 80% lượng dầu thô nhập vào Nhật Bản cũng phải qua khu vực này.

 

Nếu bọn khủng bố muốn chọn đây là mục tiêu để đánh vào nền kinh tế thế giới, thì không còn nơi nào tốt hơn. Trong hội nghị về an ninh ở eo biển Malacca vừa tổ chức tại Singapore (có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld), Phó Thủ tướng Singapore Tony Tan cho rằng, những con tàu chở dầu có thể bị bọn khủng bố biến thành những quả bom nổi khổng lồ lao vào các cơ sở quan trọng như nhà máy lọc dầu hoặc các cảng biển.

 

Khủng bố trên biển thực chất không mới. Những chiến binh Hồi giáo tại Yemen trong năm 2000 đã tấn công vào con tàu của Mỹ mang tên Cole và tấn công con tàu Limburg của Pháp trong năm 2002. Cũng trong năm 2002, các nhà chức trách tại Morocco đã bắt giữ 1 nhóm nghi can khủng bố, chuẩn bị tấn công vào các tàu hải quân của Mỹ và Anh ở eo biển Gibraltar . Abu Sayyaf, một tổ chức khủng bố ở miền Nam Philippines cũng đã thừa nhận vụ đánh bom trên phà ở vịnh Manila hồi đầu năm nay.

 

Khu vực eo biển Malacca lại là nơi chiếm đến 1/3 tổng số vụ hải tặc trên thế giới. Từ nhiều thế kỷ qua, nơi đây đã trở thành tâm điểm của bọn cướp biển vì nơi hẹp nhất ở đây chỉ chưa đầy 3km và tàu thuyền qua đây phải giảm tốc độ. Số vụ cướp biển trong khu vực này tăng gấp 3 lần trong vòng 1 thập niên qua và 20% trong năm 2003. Chính đội ngũ cướp biển này có thể được mạng lưới khủng bố thuê để thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, bọn khủng bố cũng đã để mắt tới những tên cướp biển vùng Malacca.

 

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã tìm thấy một băng video theo dõi đường đi của những con tàu Malaysia . Singapore cũng đã bắt được các nghi can khủng bố có kế hoạch tấn công các con tàu của Mỹ. Hồi đầu năm, 10 tên cướp biển đã bắt một tàu chở hóa chất ở eo biển Malacca. Mặc dù vụ bắt cóc chỉ diễn ra trong 1 giờ, nhưng đã đặt ra vấn đề bảo đảm an ninh tại eo biển. Theo tổ chức phân tích an ninh toàn cầu, diễn biến này có thể ví như việc những tên khủng bố muốn cài người vào nắm bắt thao tác điều khiển các con tàu, tựa như trường hợp tại trường dạy lái máy bay ở Floriada trong vụ khủng bố 11-9.

Tăng cường an ninh

 

An ninh ở eo biển Malacca? ảnh 2
Thuyền qua eo biển Malacca

Hiện tại, do khó khăn về lực lượng và phương tiện, nên nhiều nơi trong khu vực eo biển Malacca gần như không thể kiểm soát, nhất là tại cảng Klang thuộc Indonesia . Hiện nước này chỉ có 20 tàu tuần dương phải kiểm soát 17.000 đảo. Singapore Malaysia có đội tàu nhiều hơn và trang bị hiện đại hơn, nhưng không có thẩm quyền vào hải phận của Indonesia . Việc hợp tác giữa các nước trong khu vực eo biển cũng chưa được chặt chẽ.

 

Malaysia chuẩn bị thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển giống như của Mỹ. Lực lượng này theo kế hoạch sẽ bắt đầu tuần tra và bảo vệ eo biển từ đầu năm 2005. Lực lượng này phối hợp với hải quân Malaysia theo dõi phát hiện và xử lý các hoạt động tội ác, đặc biệt là trong tình hình khẩn cấp. Bên cạnh đó, Malaysia đã đề xuất một cơ chế diễn tập chống khủng bố, phối hợp tuần tra, chia sẻ thông tin tình báo giữa Malaysia , Indonesia Singapore .

 

Thái Lan có kế hoạch nhằm giảm sự lệ thuộc vào eo biển Malacca bằng cách xem xét đào kênh tại Isthmus, khu dải đất hẹp nhất của Thái Lan tại vịnh Bengal . Nơi đây cách đường biển đi từ Trung Đông tới Nhật Bản qua eo Malacca khoảng 1.000 km về hướng Bắc. Một kế hoạch khác cũng đang được xem xét là xây dựng cầu vượt gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt tại Isthmus. Con đường qua Isthmus nếu thành hiện thực sẽ giảm bớt từ 40% đến 60% phí vận chuyển dầu từ Trung Đông tới Đông Á. Thế nhưng khu vực miền Nam Thái Lan hiện cũng đang có nhiều vụ bạo động nên an ninh tại đây cũng sẽ là một vấn đề.

Mỹ với eo biển Malacca

 

Vào tháng 3-2004, đô đốc Thomas Fargo, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương đệ trình lên Quốc hội kế hoạch hợp tác với các nước Đông Nam Á bảo vệ eo biển Malacca. Kế hoạch của Fargo bao gồm hợp tác về thu thập thông tin tình báo và tuần tra phối hợp. Fargo còn cho rằng, thậm chí lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng tuần tra và hành động khi cần. Malaysia Indonesia đã lập tức bác bỏ đề nghị của Mỹ, xem đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của 2 nước và có thể gây làn sóng bài Mỹ trong dân chúng, dẫn đến nguy cơ khủng bố còn cao hơn. Thay vào đó, Malaysia Singapore chấp nhận Mỹ giúp đỡ về đào tạo và đầu tư phương tiện kiểm soát. Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi khẳng định “Chúng tôi có thể tự kiểm soát khu vực của chúng tôi”.

Ông Nugroho Wisnumurti, cựu Tổng giám đốc chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng, việc đưa lực lượng nước ngoài vào hải phận Indonesia có thể xâm hại quyền lợi quốc gia và vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Indonesia, chính sách không liên kết. Singapore thì có kế hoạch hợp tác với các nước Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước khác trong việc giữ gìn an ninh của eo biển Malacca. Thậm chí Singapore còn muốn mời lực lượng hải quân Hàn Quốc tham gia tuần tra.

 

HUY QUỐC

 

Tin cùng chuyên mục