Ăn tết với rừng

Cho rừng đón tết
Ăn tết với rừng

Một ngày cận tết, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh Trịnh Xuân Tự, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lâm Đồng): “Chú có đi rừng với tụi anh không? Vào cùng đồng bào dọn dẹp rừng để chuẩn bị đón tết”. Nghe có vẻ lạ, tôi hỏi lại: “Tết thì phải dọn dẹp nhà cửa, mua quần áo mới chứ sao lại dọn rừng?”. “Thì chú cứ đi rồi khắc biết”. Vậy là chúng tôi lên đường…

Bà con dân tộc thiểu số làm sạch “ngôi nhà chung” để cùng đón tết.

Cho rừng đón tết

Khu vực rừng Đarahoa, thuộc địa phận xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) là nơi anh Tự muốn dẫn tôi đến. Trước đây, khu vực này vốn là “điểm nóng” về tệ nạn phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép đã khiến các nhà chức trách đau đầu. Gửi tạm xe vào nhà người dân, chúng tôi men theo lối mòn đi thẳng vào rừng sâu. Nhìn những cây thông xanh mướt đứng ung dung, tự tại khiến lòng người thật nhẹ nhõm. Lội bộ được một lúc khá lâu, tôi bất chợt nhìn thấy những đám khói đang tỏa khắp cánh rừng. “Cháy rừng thì phải” - tôi kêu lên. Anh Tự không nói gì mà đưa tay mình chỉ về phía trước. Tôi đưa mắt nhìn theo và thấy khoảng hơn hai chục người đồng bào dân tộc thiểu số đang ẩn hiện trong đám khói sương mịt mù.

Thấy chúng tôi đến, một người đàn ông đứng tuổi chạy lại hồ hởi: “A! Cán bộ vào xem bà con chuẩn bị cho rừng đón tết à?”. Anh Tự giải thích với tôi: “Hôm nay bà con cùng nhau vào rừng dọn dẹp, phát quang và đốt thực bì để rừng được thông thoáng, tránh bị cháy vào mùa khô”. “Thế còn chuyện cho rừng đón tết?” - tôi hỏi. Người chào hỏi chúng tôi lúc đầu là ông Lơ Mu Ha Bock (tổ 6, xã Đạ Sar) nói: “Rừng cũng như nhà của đồng bào mình. Đón tết thì phải dọn nhà sạch sẽ chứ”. Thấy tôi hơi đăm chiêu, ông K’ Long Ha Giắck (thôn 6, xã Đạ Sar) giải thích thêm: Trước đây chúng tôi sống theo kiểu du canh, du cư nên hay phá rừng để trồng trọt. Nhưng từ khi Nhà nước quan tâm ổn định cuộc sống, rồi giao cho quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR), được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nên cuộc sống ngày càng ổn định. Ngược với phong tục đốt, phá rừng làm nương rẫy như những năm trước, nay đồng bào đã biết bảo vệ rừng, cho rừng sinh sôi nảy nở và rừng cũng giúp đồng bào có đời sống ấm no.

Đồng lòng giữ rừng

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim hiện đang quản lý hơn 43.000ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất nằm trên địa bàn 5 xã và một thị trấn thuộc huyện Lạc Dương. Theo anh Tự, diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt là nhờ chính sách giao khoán QLBVR cho người dân. Đáng mừng nhất, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy nay đã giảm đáng kể. “Hiện nay, các gia đình trong các thôn thuộc xã Đa Sar và các xã khác đã cùng nhau thành lập các nhóm bảo vệ rừng với 10 - 15 hộ tham gia. Nhiệm vụ của nhóm là luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác để bảo vệ rừng được giao. Dân làng còn cải tạo đất sản xuất trên những nương rẫy cũ để đưa vào trồng các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc trồng các loại cây lâm nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế, thêm thu nhập” - anh Tự phấn khởi.

Đặc biệt, chương trình giao khoán QLBVR được ưu tiên cho những hộ thiếu đất sản xuất, đông con, gia đình neo đơn đã có tác động tích cực đến đời sống của người dân. Như hộ ông Ha Giắck có tới 6 người con, gia đình chỉ có 1ha cà phê, trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia chương trình QLBVR với hơn 20ha rừng, mỗi hécta, ông nhận được 450.000 đồng/năm, công thêm việc gia đình ông tích cực chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày dưới tán rừng hiện cuộc sống gia đình đã ổn định. Còn như gia đình ông K’Soanh (55 tuổi ở thôn Tu Pó) bản thân ông đau yếu, cuộc sống hết sức khó khăn, không có lao động chính để đứng ra nhận rừng, nhưng ông vẫn được QLBVR xem xét cho nhận 22ha rừng, bởi ông còn người con có sức khỏe để đi rừng. Nếu ngày trước, gia đình ông K’Soanh khó khăn đến nỗi thường xuyên thiếu gạo ăn. Thì nay, sau vài năm nhận QLBVR theo chương trình chi trả DVMTR, không những cái ăn đã được giải quyết mà còn mua được cả xe máy, tivi và sửa sang nhà cửa tươm tất hơn. Trung bình mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 10 triệu đồng/năm, với số tiền này đã góp phần giải quyết rất nhiều công việc trong gia đình.

Mặc dù hiện các hộ gia đình đang tất bật, hối hả để lo chuẩn bị tết, nhưng những hộ nhận QLBVR vẫn thường xuyên đôn đốc nhau thường xuyên kiểm tra, bảo vệ những cánh rừng mình đang quản lý. “Ngày thường cũng như lễ tết, chúng tôi không bao giờ quên nhiệm vụ của mình mà còn tích cực hơn để rừng được bình yên đón tết cùng đồng bào chúng tôi” - ông Ha Bock tâm sự.

Nguyễn Tiến

Tin cùng chuyên mục