Như Báo SGGP đã thông tin, nếu trên khu vực biển Đông xảy ra động đất khoảng 7 độ Richter gây ra sóng thần, chắc chắn khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Vậy cần phải làm gì để hạn chế những rủi ro có thể có do thiên tai gây ra đối với nhà máy ĐHN này?
Công nghệ an toàn nhất thế giới?
Ngay hồi tháng 3, khi sự cố nhà máy ĐHN Fukushima tại Nhật Bản xảy ra sau thảm họa động đất gây sóng thần, vấn đề đảm bảo an toàn cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã được rà soát lại. Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến cho biết, hiện nay phía Việt Nam đã yêu cầu đối tác Nga nâng cao các tiêu chuẩn về thiết kế an toàn (kể cả tiêu chuẩn dự phòng cho an toàn).
Ví dụ với động đất nếu khảo sát khu vực này cao nhất có thể xảy ra là 7 độ Richter thì tiêu chuẩn dự phòng là 8 độ Richter, thậm chí là 9 độ Richter. Chủ trương phát triển ĐHN của Việt Nam là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và được xem xét trên mức độ an toàn cao nhất.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, do đang trong quá trình chuẩn bị nên Việt Nam có đủ điều kiện để bổ sung hoặc thêm vào tất cả yếu tố đảm bảo an toàn theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Phải hội đủ các yếu tố an toàn trước các nguy cơ, Việt Nam mới tiến hành xây dựng ĐHN.
Về vấn đề công nghệ, ông S.Boyarkin, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom (Nga), đối tác chiến lược của dự án xây dựng Nhà máy ĐHN số 1 Ninh Thuận đã khẳng định: “Nhà máy ĐHN của Việt Nam sẽ an toàn nhất thế giới”. Ông Boyarkin cho biết, các nhà máy ĐHN đang xây dựng tại Nga là thế hệ 3 và 3+.
Ông Boyarkin cũng khẳng định, thiết kế thế hệ nhà máy điện hạt nhân thứ 3 của Nga là thiết kế duy nhất trên thế giới có hệ thống, cơ chế cô lập chất nóng chảy, gọi là “bẫy nóng chảy”. Khi sự cố xảy ra dù ở mức độ nào và biến thái như thế nào thì chất nóng chảy cũng không thể vượt ra ngoài phạm vi của lò phản ứng.
Ông Nikolay Kutin, Giám đốc Cục Giám sát Môi trường, Công nghiệp và Hạt nhân Liên bang Nga, cũng khẳng định: “Công nghệ mới của chúng tôi rất sạch, hầu như không có chất thải. Nga đã có công nghệ vận chuyển, bảo quản và xử lý các chất thải hạt nhân. Chúng tôi luôn đảm bảo yêu cầu của Tổ chức IAEA về xử lý các vấn đề chất thải hạt nhân. Phía Việt Nam cũng có các cơ quan về bức xạ và đảm bảo an toàn hạt nhân, trong quá trình chuyển giao chúng tôi sẽ trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan này về xử lý và bảo quản các chất thải. Nếu chúng ta thực hiện đúng các yêu cầu của công nghệ, bảo đảm sẽ không làm ảnh hưởng gì đến môi trường xung quanh”.
Giám sát chặt quá trình thực hiện
TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN), khẳng định, việc lựa chọn công nghệ hết sức quan trọng. Để đảm bảo an toàn, có rất nhiều vấn đề nhưng công nghệ được xem là ưu tiên số 1. Do thường xuyên xảy ra động đất nên Nhật Bản luôn có thiết kế chống động đất, tuy nhiên thế hệ nhà máy ĐHN của Nhật Bản là cuối thế hệ 1, đầu thế hệ 2. Trong khi chúng ta chắc chắn sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ 3 trở lên, do vậy, tính an toàn cũng sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.
Ngoài công nghệ, yếu tố con người cũng quan trọng không kém. Giáo sư Joonhong Ahn, Khoa Kỹ sư Năng lượng hạt nhân, ĐH California (Mỹ), cho rằng, vấn đề đào tạo nhân lực về năng lượng hạt nhân là nhân tố rất quan trọng, cần những người giỏi, không chỉ trong ngành mà còn trong xã hội, vì thế cần có chương trình đào tạo đảm bảo ở tất cả các cấp độ, đặc biệt là ở bậc ĐH.
Hiện nay, Bộ KH-CN đã đặt hàng các nhà khoa học Viện Địa chất và Viện Vật lý địa cầu thực hiện đề tài “Đánh giá về hoạt động đứt gãy ở khu vực dự kiến xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2”. Đây là cơ sở để hoàn thiện những quy chuẩn về an toàn cho máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Dự kiến đầu năm 2013, tất cả những thông số về địa chất, nguy cơ thiên tai (bao gồm cả sóng thần) sẽ có đầy đủ, để đến năm 2014 có thể khởi công xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 theo đúng kế hoạch với những kịch bản chi tiết đảm bảo độ an toàn cao nhất.
PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, ngoài công nghệ, vấn đề lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN cũng hết sức quan trọng. Theo đó, có 3 vấn đề cần quan tâm: Một là hiện tượng tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, ví dụ như động đất, sóng thần, núi lửa... Thứ hai là những hoạt động của con người có thể gây mất an toàn cho nhà máy. Ví dụ như nhà máy có được đặt gần các cơ sở hóa chất, đường lên xuống của sân bay không, liệu máy bay bị tai nạn rơi vào nhà máy, nhà máy có được đặt gần đường giao thông mà tai nạn giao thông có thể xảy đến... đều được tính đến. Thứ ba là những yếu tố mà nhà máy có thể làm ảnh hưởng đến khu dân cư.
“Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang rà soát, tính toán kỹ lưỡng đến những vấn đề đó trong việc triển khai xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của mình ở Ninh Thuận vào năm 2014 tới”, ông Tấn cho biết.
Trần Lưu
- Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vùng bị sóng thần