“An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng trở thành mối quan tâm, bức xúc của xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh nông - thủy sản trong nước, tạo niềm tin nơi người sản xuất nhờ thị trường ổn định và người tiêu dùng thực sự tin tưởng vào sản phẩm an toàn”, đó là phát biểu của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) tại TPHCM sau 2 năm triển khai chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn.
“Dò đá qua sông”
Theo phản ánh từ các địa phương, khi triển khai chuỗi liên kết các nơi tham gia gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn người sản xuất theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP), người nông dân phải tuân thủ nghiêm các quy định về ghi chép định kỳ, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật không vất bừa bãi, không sử dụng thuốc ngoài danh mục… Việc thay đổi tập quán dễ dãi qua nhiều thế hệ, trong đó việc ghi chép sổ sách có thể nói là rất khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là thời gian đầu. Trong khi đó, khi vận động các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết hay sản xuất theo hướng GAP, điều đầu tiên bà con đặt ra là sẽ được lợi gì, giá bán có cao hơn sản phẩm không áp dụng GAP hay không… đều là những câu hỏi không dễ trả lời.
Theo đại diện tỉnh Hậu Giang, việc xây dựng chuỗi liên kết các mặt hàng nông - thủy sản không chỉ gặp khó vì thói quen hay giá bán mà còn bất cập ở khâu tiêu thụ. Việc kêu gọi, hình thành chuỗi liên kết bao gồm người sản xuất, cơ sở sơ chế và nhà phân phối đã khó nhưng khi sản phẩm làm ra cũng rất khó tiêu thụ. Như chuỗi liên kết sản xuất cá rô, khi vận chuyển lên chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM), do sản lượng chưa nhiều, không thể để riêng lẻ mà trộn chung với lượng cá rô nuôi theo cách thông thường nên giá bán không có gì khác biệt, người tiêu dùng cũng không biết đâu là cá rô nuôi theo VietGAP. Những khó khăn này, theo những người thực hiện, như quá trình “dò đá qua sông”.
Công khai thông tin
Theo Nafiqad, năm 2013, 63 tỉnh, thành đã kiểm tra, đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản, trong đó, cơ sở xếp loại A (đạt yêu cầu), B (cơ bản đạt) chiếm khoảng 80%. Trong khi 20% cơ sở bị xếp loại C (vi phạm nghiêm trọng phải thay đổi nhanh chóng), sau khi tái kiểm tra vẫn còn 50% cơ sở trong số đó không có thay đổi gì đáng kể. Cuộc khảo sát cho thấy, các cơ sở chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản tỷ lệ cơ sở loại C là 38,7%, nhưng với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỷ lệ loại C rất cao, lên đến 60%; kết quả tái kiểm tra sau đó còn đến gần 90% cơ sở vẫn xếp loại C. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… cơ sở loại A, B đạt tới 70%.
Điều đáng nói, các địa phương chưa thể kiểm tra tất cả các cơ sở trong tỉnh do hạn chế về nhân lực. Có tỉnh còn cho biết, với nhân sự hiện nay, để kiểm tra hết cơ sở trong tỉnh phải cần 3 - 4 năm mới xong. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nguồn lợi thủy sản Đồng Nai, cho rằng, điều quan trọng là cần có biện pháp tự thân cơ sở phải có ý thức và chịu trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Theo ghi nhận của Nafiqad, việc công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng rõ rệt trong việc răn đe các cơ sở cố tình vi phạm, còn hiệu quả hơn cả việc phạt tiền, bởi các cơ sở luôn lo sợ mất uy tín, bị người tiêu dùng tẩy chay. Thế nhưng, cũng theo Nafiqad, năm 2013 chỉ 10/63 tỉnh, thành công khai thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, không loại trừ người kiểm tra chưa thực sự tự tin về nghiệp vụ nên chưa dám công bố. Cũng không loại trừ tình trạng tỉnh này còn trông chờ động thái của tỉnh kia. Suy nghĩ của những địa phương này thật đơn giản, có thể bị thiệt hại đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh thu của tỉnh nhà nếu tự công bố thông tin mà tỉnh khác lại im lặng. Có thể xem đó là những lý do vì sao mới có 10/63 tỉnh, thành phố dám minh bạch thông tin.
Vì điều này, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, bên cạnh việc tập trung tái kiểm tra các cơ sở loại C để tạo sự chuyển hóa nhanh các cơ sở này lên loại B hay A. Điều này cũng có nghĩa, sẽ giúp gia tăng tỷ lệ an toàn về ATVSTP cho người tiêu dùng, cũng qua đó từng bước giảm dần cơ sở loại C, đồng nghĩa với việc giảm bớt sản phẩm nông - thủy sản không an toàn. Vì vậy, năm 2014 các địa phương và Nafiqad sẽ tập trung khâu giám sát và tái kiểm cơ sở loại C, bên cạnh đó là việc công khai thông tin kết quả kiểm tra các cơ sở. Đó cũng là cách để ủng hộ và khuyến khích các cơ sở làm tốt (loại A), đồng thời răn đe các cơ sở loại C. Với việc minh bạch thông tin sẽ giúp người tiêu dùng biết và quyết định sử dụng sản phẩm của các cơ sở đảm bảo an toàn. Đây cũng là cách giúp cho cơ sở loại A có điều kiện tiếp cận với người tiêu dùng và người tiêu dùng có thêm thông tin để nhận biết sản phẩm nào an toàn và chưa an toàn. Có thể nói, đây còn là động lực thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-thủy sản thật sự an toàn, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Năm 2014, ngành nông nghiệp sẽ triển khai song song 2 nhiệm vụ quan trọng: Đánh giá, phân loại các cơ sở và tổ chức tham gia chuỗi liên kết sản phẩm an toàn từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến vận chuyển, phân phối. Đồng thời tổ chức dán tem cũng như công bố cơ sở tham gia chuỗi ATVSTP.
CÔNG PHIÊN