Ấn tượng Israel

Ấn tượng Israel

LTS: Đầu tháng 12-2010, lần đầu tiên một đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Israel theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhà nước Do Thái. Nhà thơ, Đại tá Đỗ Trung Lai, trưởng đoàn, viết lại vài mẩu chuyện, trong số rất nhiều chuyện của ông, trong chuyến đi ấy.

1- Chính sách nhập cư

Năm 1947, khi người Anh từ bỏ quyền ủy trị Israel mà Hội Quốc liên (Liên hiệp quốc sau này) trao cho, trên đất nước này chỉ có chưa đầy 1 triệu người Do Thái. Ngay sau khi tuyên bố lập chính phủ, năm 1948, Thủ tướng David Ben Gurion đã lập tức kêu gọi người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới “trở về nhà”. Đặc biệt, sau những cuộc chiến với người Arab, làn sóng người Do Thái trở về từ Israel càng dồn dập.

Chỉ tính từ năm 1990 cho đến năm 1999, số lượng người Do Thái trở về từ các nước Liên Xô cũ đã trên 1 triệu người. Từ Iran cũng cỡ ngần ấy. Họ còn liên tục trở về từ những nước Đông Âu; từ châu Á, châu Âu, châu Úc, châu Phi, châu Mỹ... Sau cuộc điều tra dân số năm 2005, Israel đã có 6,9 triệu dân, trong đó có cả người Israel gốc Arab, vốn đã cùng người Do Thái sinh sống từ lâu đời trên dải đất này.

Nhờ Biển Chết, Israel thu hút được lượng lớn du khách đến nước này. Ảnh: C.T.V.

Nhờ Biển Chết, Israel thu hút được lượng lớn du khách đến nước này. Ảnh: C.T.V.

Một ví dụ điển hình cho chính sách “trở về nhà”, chính sách nhập cư, của xứ sở này: 12 năm trước, Nhà nước Do Thái ký với chính phủ Yemen và chính phủ Ethiopia và chỉ trong 2 ngày, đã đưa tất cả 15.000 người Do Thái ở hai quốc gia này về nước.

Tất cả những người trở về, vừa qua biên giới, đã được nhận ngay thẻ công dân, tiền trợ cấp, đất đai, và nhiều khi có cả nhà cửa nữa. Sau năm 1999, chính sách nhập cư có bị thắt chặt hơn. Tuy vậy, mới đây, một cộng đồng người Thái Lan vẫn được chấp nhận nhập cư ở Israel. Sandra, một cán bộ của Bộ Ngoại giao Israel đi cùng chúng tôi, kể rằng, từ năm 7 tuổi, cô đã theo bố mẹ trở về Israel từ Romania. Bố mẹ cô là bác sĩ. Lúc đầu, họ phải bán ở quán bar, đi dọn vệ sinh kiếm sống. Nhưng chỉ vài ba năm sau, ai lại về vị trí nấy. Thế mới biết, cùng với chính sách, công tác chuẩn bị và tổ chức lại cuộc sống cho hàng triệu người Do Thái hồi hương của Israel tốt đến chừng nào. Bây giờ, dân số Israel chắc đã nhiều hơn nhiều con số 7 triệu.

2- Chính sách phát triển

Lúc về nước, giáo sư Chu Hảo kể cho tôi nghe rằng, khi nữ Thủ tướng duy nhất của Israel, Golda Meir (đắc cử năm 1969), còn tại vị, một hôm có một người đàn ông xộc thẳng vào dinh Thủ tướng. Ông ta nói với bảo vệ: “Tôi là bạn bà ấy. Việc khẩn cấp”. Bà Thủ tướng, dù rất bận, đã lập tức tiếp ông. Bà hỏi: “Anh có kế hoạch gì à?”. “Về nước đông thế, lại chỉ biết buôn bán, làm sao nước mạnh? Tôi đến xin bà 20 triệu USD để xây 10 trường đại học kỹ thuật!” - ông bạn trả lời. Bà Thủ tướng gọi điện cho Bộ trưởng Tài chính ngay. Bộ trưởng nhăn nhó: “Bây giờ đào đâu ra số tiền lớn thế?”. “Thế anh có bao nhiêu?”. “Tối đa 10 triệu!”. “Thế anh khoanh ngay 10 triệu ấy lại. Khi cần, tôi sẽ lấy”. Rồi bà Thủ tướng quay ra nói với bạn: “Anh xin tôi 20 triệu để xây 10 trường đại học. Tôi chỉ có 10 triệu. Anh hãy xây lấy 5 trường”.

Thế là từ 5 ngôi trường “đi xin” ấy, bây giờ Israel đang đứng đầu thế giới về chế tác kim cương, công nghệ sinh học - nông nghiệp, công nghệ quốc phòng, điện tử - viễn thông, phần mềm, dược phẩm, hóa chất tinh chế...

Bây giờ, ở Herzilia, một thành phố vệ tinh của Tel Aviv, nơi tập trung rất nhiều sứ quán nước ngoài, tôi thấy chi chít các trụ sở và cơ sở sản xuất công nghệ cao của Microsoft, Intel, của các nước khác và của cả Israel nữa. Đây được gọi là “Thung lũng Silicon” thứ hai của thế giới, sau Mỹ. Biểu tượng của Herzilia là bức tượng con diều hâu, loài có đôi mắt tinh nhất trong các loại mắt.

Bây giờ, người Israel xuất khẩu nông phẩm giá cao đi nhiều nước. Tôi ra chợ thấy tỏi tây của họ dài cả mét, hành hoa dài 70 phân, cà tím nặng tới hai cân mỗi quả, cây cần tây to như một bụi cây nhỏ, ớt ngọt toàn cỡ nắm tay - đỏ, xanh, vàng, da cam rực rỡ. Tôi vào bàn ăn, một nửa bày ra (vốn rất nhiều và ngon) là rau, củ, quả.

Tôi gặp một ông chủ trang trại người Do Thái và một chú giúp việc người Thái Lan, nuôi 50 con bò sữa. Cổ mỗi con bò có một cái vòng điện tử để nó thông báo thường xuyên cho chủ trại về tình trạng sức khỏe con bò. Sữa bò được vắt bằng máy. Rồi sữa mỗi con lại qua máy phân tích, thấy sữa con nào thiếu chất gì, bổ sung luôn vào khẩu phần ăn. Chả thế mỗi năm, hai thầy trò này làm ra 600.000 lít sữa chất lượng cao, tức mỗi con cho 12.000 lít sữa/năm (ở Mỹ, cao nhất 9.000 lít/con/năm). Họ bảo, các bạn Việt Nam nuôi cá bè ở sông, hồ. Sớm muộn, sông hồ cũng ô nhiễm và năng suất sẽ giảm. Chúng tôi nuôi cá bằng bể nhân tạo, năng suất cao hơn nhiều. Nước nuôi cá được xử lý, trộn thêm nước biển, thành ra nước lợ - ngọt, tưới cho loại cà chua chịu mặn kia, không mất đi đâu một giọt. Phân cá thì bón ruộng”.

Nói đến nước ngọt, toàn Israel có mỗi một hồ nước ngọt Galile (còn gọi là hồ Tiberias, biển Galile, hồ Kinneret) chứa được 3 tỷ m³ nước. Con sông Jordan chảy vào hồ này đáng kể nhất, rồi nó chảy xuống vùng Biển Chết, điểm thấp nhất của thế giới, thấp 399m dưới mực nước biển. Nước vào Biển Chết không đủ để bay hơi, vì thế, ở Biển Chết, nước muối đã bão hòa! Tôi đến bơi ở đó, nằm ngửa đọc báo được. Bơi sấp thì chân và mông cứ khoắng lên trời. Thế nhưng từ Biển Chết, người Israel lại xuất khẩu “muối Biển Chết”, “bùn Biển Chết” và các hóa mỹ phẩm Biển Chết khắp thế giới. Bây giờ, spa nào thiếu những thứ đó, chỉ còn là spa hạng hai trong việc làm đẹp cho giới nữ.

Chính vì thiếu nước ngọt nên người Israel tưới cây khác người: Cây chỉ cần mùn, đất hay cát để giữ bộ rễ. Còn dinh dưỡng thì theo ống dẫn nước đến từng gốc, được điều khiển bằng một phần mềm gì đó, tùy theo thời tiết, tuổi cây, loại cây... mà nhỏ giọt nhiều - ít cho đủ độ. “Tưới như các bạn, nước bay hơi hơn 50%”, người Israel bảo tôi thế. Nhưng không phải ai cũng làm được thứ ống dẫn nước kiểu ấy. Dù xa hàng trăm cây số, dù leo lên sân thượng cao ốc, áp suất nước trong ống không đổi và nước vẫn đến từng nơi cần đến. Israel đang xuất khẩu hệ thống tưới nhỏ giọt này.

Về công nghệ quân sự, khi tôi đến thăm một đơn vị tăng - thiết giáp Israel, họ cho tôi xem loại xe tăng Merkava, seri 2004, giờ vẫn được trang bị cho quân đội Israel (và nó đã được cải tiến thành Merkava III - một trong những loại tăng được thiết kế tốt nhất thế giới). Xe nặng 33 tấn, có 12 ống tạo mù bên thành xe, có hai “hộp điện tử” trên vai xe để các pháo thủ, chỉ cần ngồi trong xe, nhìn màn hình mà bắn, cả ngày lẫn đêm. Họ bảo, trong tương lai gần, trên vai mỗi người lính bộ binh Israel sẽ có một “máy bay không người lái” nặng 400gr. Nó giúp người lính trinh sát toàn bộ khu vực mình phụ trách rồi tiêu diệt, phối hợp, hoặc chỉ điểm tiêu diệt!

Đi đường, cả 7 ngày, tôi chỉ gặp vài ba chục thanh niên đi motor phân khối lớn, còn đường sá toàn ô tô, đủ các loại xe nhập từ Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật và rất nhiều từ Hàn Quốc. Một xứ nhỏ, ít khoáng sản, có lẽ họ không lựa chọn những ngành quá nặng?

Họ thật sự gây ấn tượng mạnh cho tôi.

ĐỖ TRUNG LAI

Tin cùng chuyên mục