Sau thành công của vở rối đen đầu tiên trên sân khấu TPHCM vào năm 2003 – Vì sao thuồng luồng hóa rồng, đạo diễn Hoàng Duẩn đã dàn dựng vở rối đen thứ hai Sáo thần không phép tham dự Liên hoan múa rối và các trò chơi dân gian khu vực phía Nam năm 2011 vừa diễn ra tại TPHCM. Đây cũng là vở rối đen duy nhất của liên hoan, đã mang lại sự thích thú cho nhiều công chúng.
Vở diễn xoay quanh câu chuyện về Mộc - một tiều phu, tuy là phận làm thuê nhưng rất tốt bụng, có tài bắn cung bách phát bách trúng và đặc biệt còn có tài thổi sáo véo von hay đến lạ thường. Mộc sống trong ngôi nhà của lão Bá Hộ - một người tham lam, ngu si và độc ác. Một lần đi chăn voi, Mộc đã cứu được chú chim Sáo dễ thương thoát khỏi con Đại bàng hung dữ. Một ngày nọ, nhân lúc Mộc và chim Sáo đi vắng, Đại bàng đã dụ dỗ cho đàn voi của Bá Hộ bỏ chạy vào rừng. Mộc bị Bá Hộ trừng phạt bỏ đói, không trả tiền công. Chim Sáo và Mộc đã biết được Đại bàng là kẻ đã gây ra chuyện này nên tìm cách gặp Đại bàng để hỏi tội.
Đại bàng xuất hiện ra oai và đánh nhau với Mộc. Vốn là loài có phép thuật nên Đại bàng đã thiên biến vạn hóa… Mộc bị thương nặng, Đại bàng bắt được chim Sáo. Trên ngọn núi cao, Đại bàng háo hức chuẩn bị ăn thịt chim Sáo (vì nghĩ Mộc đã làm mồi cho cá mập) thì Mộc đã giương cao cung tên và bắn hạ Đại bàng.
Thấy Sáo bị thương, Mộc chăm sóc và âu yếm Sáo. Mộc vô tình hôn vào chim Sáo thì bất ngờ Sáo thần biến thành một cô gái xinh đẹp. Mộc chưa hiểu chuyện gì thì nàng Sáo giải thích tiếp lời nguyền xưa: “Nếu Sáo thần không phép được hôn bởi một chàng trai tốt bụng chốn trần gian thì sẽ trở thành người ở dương trần và từ đó sẽ thoát khỏi kiếp bị đọa đày”. Vượt qua những gian khó, chàng Mộc tốt bụng và nàng Sáo xinh đẹp nên duyên vợ chồng bằng một đám cưới diễn ra vui nhộn với sự tham dự của muôn thú trên trần gian cùng những người tốt bụng...
Trong Sáo thần không phép, đạo diễn Hoàng Duẩn khá chú trọng đến việc thiết kế ánh sáng nên đã tạo được những hiệu ứng rất tốt qua các cảnh chiến đấu giữa chàng Mộc và Đại bàng... Đạo diễn Hoàng Duẩn muốn gởi đến công chúng thông điệp: Sống phải biết yêu thương những người xung quanh, yêu thương loài vật và không “ỷ mạnh hiếp yếu”. Những người biết hy sinh vì người khác chắc chắn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc trên đời và ngược lại kẻ ác thì phải đền tội…
Điều khá đặc biệt, mặc dù đây chỉ là một vở diễn do các diễn viên của Đội kịch rối Once Two Three, Nhà Thiếu nhi Tân Bình trình diễn, nhưng sau liên hoan, Sáo thần không phép liên tục nhận được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học… mời biểu diễn phục vụ thiếu nhi vui đón Tết Trung thu sắp tới.
Trước những tin vui này, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, dù đã dành thời gian gần 2 tháng luyện tập, nhưng với loại hình nghệ thuật rối đen còn khá mới mẻ nên anh và các diễn viên sẽ tiếp tục “chuốt” lại vở diễn để có thể phục vụ khán giả tốt nhất. Bởi làm rối đen, diễn viên và đạo diễn vất vả hơn nhiều so với những loại hình rối khác trong việc trình diễn, thiết kế ánh sáng...
Rối đen đòi hỏi kỹ xảo và kỹ thuật biểu diễn khá cao. Khi trình diễn, trên sân khấu chỉ toàn một màu đen: chỉ sử dụng một loại đèn đặc biệt có ánh sáng cực tím và các diễn viên phải mặc trang phục màu đen để khi trình diễn khán giả không thể nhìn thấy các diễn viên đang hiện diện trên sân khấu. Khác với những loại rối thông thường, những con rối trong nghệ thuật rối đen được tạo hình từ những mảnh vải sặc sỡ hay các vật liệu phản quang, có thể bay bổng, nhảy múa trên không trung theo ý của người điều khiển… |
Vân An