Ấn tượng Việt Nam

Ấn tượng Việt Nam

Báo chí nước ngoài những ngày qua đăng tải nhiều bài phân tích, nhận định về sự tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng mạnh của Việt Nam. Trang mạng Warc gọi Việt Nam là Ngôi sao đang lên của Đông Nam Á.

Bài viết tập trung nói về thành công lớn của Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử. Sự phát triển nhanh chóng của thông tin liên lạc điện thoại di động và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam (dự kiến ​​đến năm 2020, mức thu nhập của tầng lớp này sẽ tăng gấp đôi) đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía các thương hiệu hàng đầu thế giới.

 1,7 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào tháng 1-2017. Trong ảnh: Du khách nước ngoài thám hiểm Sơn Đoòng

Trong khi đó, tờ Asian Correspondent, đã phân tích các thành tựu kinh tế ở Việt Nam. Bài viết có đoạn: “Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ 2 sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Có nhiều yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt so với các nước ASEAN khác. Có thể kể đến là chiến lược đa dạng hóa, kể cả đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp và đa phương hóa thị trường xuất khẩu; dân số Việt Nam tăng nhanh với nguồn nhân lực trẻ tài năng; vị trí địa lý của Việt Nam cho phép phát triển thương mại đường biển với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới; chi phí vận hành tương đối thấp và lao động giá rẻ. Vì thế Việt Nam là đất nước rất hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.

Vincent Repay, một chuyên gia với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp đồng quốc tế, giảng dạy về thương mại quốc tế tại Bỉ, nhấn mạnh đến Hiệp định Tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam (EVFTA) được ký kết tạo ra 2 làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Làn sóng thứ nhất bước đầu đã có thể nhận thấy được và chỉ mang tính ngắn hạn, đó là trào lưu dịch chuyển của một số công ty sản xuất từ châu Âu sang Việt Nam vì yếu tố chi phí sản xuất cạnh tranh, cùng với đó là thuế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu sẽ được cắt giảm mạnh và thậm chí bằng không.

Làn sóng đầu tư thứ hai sẽ hấp dẫn hơn trong trung hạn và dài hạn đối với Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp châu Âu với những sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu trung và dài hạn của thị trường Việt Nam. Từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều hiện nay đã lên tới khoảng 40 tỷ EUR/năm và dự đoán, con số này có thể đạt mức 100 tỷ EUR/năm vào năm 2025. Theo chuyên gia Repay, quan hệ đối tác tự do thương mại giữa hai bên là rất tiềm năng và nếu tận dụng được thì quan hệ kinh tế giữa hai bên sẽ phát triển lên một tầm cao mới.

Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam là ngành du lịch. Tờ TTR Weekly viết: “1,7 triệu khách du lịch đã đến thăm đất nước này vào tháng 1-2017, lượng khách du lịch tăng thêm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến năm 2020, Việt Nam dự kiến ​​tiếp nhận 17 triệu khách du lịch quốc tế và 82 triệu khách du lịch nội địa. Tức là sẽ đóng góp khoảng 10% GDP”. Còn tờ The Sun Daily và tờ L’Echo Touristique lưu ý rằng, thị thực điện tử có giá trị một lần, không quá 30 ngày, áp dụng với công dân của 40 quốc gia có thể trở thành một bước đột phá của ngành du lịch Việt Nam...

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục