Ấn tượng với tiểu thuyết tự truyện

Có một chút tự truyện, một chút ký lại thêm chút nữa của tiểu thuyết, nhiều tác phẩm có sự pha trộn như thế đã liên tục xuất hiện và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Ấn tượng với tiểu thuyết tự truyện

Có một chút tự truyện, một chút ký lại thêm chút nữa của tiểu thuyết, nhiều tác phẩm có sự pha trộn như thế đã liên tục xuất hiện và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

Thành công bất ngờ

Nhắc đến thành công lớn nhất trong dòng sách tiểu thuyết tự truyện năm 2015, không thể không kể đến Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca. Tên tác giả chỉ là biệt danh, thể loại của tác phẩm tuy đề là “truyện” nhưng thực tế một nửa là tự truyện, một nửa là ký. Theo tác giả, cuốn sách được bắt đầu từ ý tưởng nảy ra trong một lần gặp mặt những người từng sống ở khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội) hơn 40 năm trước. Ngay sau đó, mỗi người từng sống sẽ kể hay viết lại những kỷ niệm sâu sắc nhất ngày đó. Tác giả thực hiện sẽ gom lại, chỉnh sửa các chi tiết, gắn kết từng câu chuyện đơn lẻ thành một tuyến truyện thống nhất.

Khi ra mắt, cuốn sách được xem như món quà kỷ niệm của những người từng sống ở khu tập thể năm xưa, thế nhưng, tác phẩm nhanh chóng trở nên “ăn khách” được đón nhận nồng nhiệt. Điểm mang lại thành công lớn nhất cho cuốn sách chính là tính chân thật, một không gian thời chiến đầy quen thuộc với những ai từng sống thời đó nhưng đã lâu không được nhắc đến, được tái hiện qua từng trang sách. Với những ai chưa trải qua thời kỳ đó thì tác phẩm đã thể hiện một góc của chiến tranh, khác lạ nhưng đầy chi tiết. Có thể nói, chính những chi tiết hết sức riêng, hết sức cụ thể đó đã làm nên thành công của Quân khu Nam Đồng.

Một số tiểu thuyết tự truyện xuất bản gần đây

Một tác phẩm khác cùng thể loại cũng ra mắt bạn đọc với nhan đề Nhật ký chuyên văn. Khác biệt chỉ ở vấn đề sáng tác và thời gian khi người viết không còn là một mà là tập hợp nhiều người của chính lớp chuyên văn ngày đó và thời gian là giai đoạn hòa bình, lúc giao thời giữa bao cấp và đổi mới. Vẫn những chi tiết cụ thể, những câu chuyện hài hước tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng đằng sau là những biến động dữ dội của xã hội giữa buổi giao thời.

Và mới đây, một tác phẩm nữa ra mắt bạn đọc với nhan đề Tìm lại giấc mơ - Hành trình trên nước Mỹ, của tác giả Võ Thị Kim Loan. Được gọi tiểu thuyết nhưng thực tế tác phẩm này hoàn toàn là dạng tự truyện, trừ việc đổi tên nhân vật chính, còn toàn bộ đều là chuyện đời có thật của chính tác giả. Thông qua câu chuyện của chính mình, tác giả đã góp phần phản ánh về số phận người Việt trên đất Mỹ giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đây là mảng còn trống vắng trong nền văn học Việt Nam và gần đây mới được nhắc đến trong một số tác phẩm như Quyên, Tuyết hoang…

Hứa hẹn tương lai

Thể loại tiểu thuyết tự truyện thực tế không mới lạ, vì đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Nhiều nhà phê bình cho rằng, các tiểu thuyết ở Việt Nam, nhất là dòng tiểu thuyết cách mạng đều mang đậm chất “tự truyện”. Từ những trải nghiệm cuộc sống, những câu chuyện có thật, các tác giả đã viết nên những tác phẩm phản ánh những thời kỳ, những trải nghiệm sâu sắc. Vì là những cây bút chuyên nghiệp nên các nhà văn đều khéo léo biến những câu chuyện đời thường, những vấn đề mang tính cá nhân thành những câu chuyện mang tính phổ quát, có tính tư tưởng. Có thể lấy ví dụ tiêu biểu như tập truyện ngắn Nhà văn về làng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ở một góc độ, nó rất giống tự truyện khi nhân vật chính là nhà văn, bối cảnh chính là quê hương của tác giả. Thế nhưng, rất khó để nói đó là tự truyện khi thông qua câu chuyện của nhân vật, tác phẩm phản ánh những vấn đề về tình yêu quê hương, về cuộc sống, về cả những biến đổi của xã hội.

Còn với những tác phẩm tiểu thuyết tự truyện theo dạng kể trên thì thực tế, yếu tố “tiểu thuyết” chỉ là sự thêm vào để tác phẩm có sự mạch lạc, thống nhất, người đọc dễ đọc hơn, còn yếu tố “tự truyện” mới là chính. Mà trong các dòng văn học thì tự truyện luôn được đánh giá dễ viết nhưng khó hay. Dễ viết vì nó gắn với cuộc sống của chính tác giả, chỉ viết lại những điều đã xảy ra, những cảm nghĩ đã trải qua, nhưng khó hay bởi cuộc sống cá nhân rất dễ gây nhàm chán cho người đọc. Những tác phẩm đạt thành công vừa qua đều có đặc điểm chung là gắn với những vấn đề thời đại như thời chiến, thời mở đầu kinh tế thị trường, người Việt ở nước ngoài giai đoạn mới… Trước đó cũng đã xuất hiện một số tác phẩm theo dạng tiểu thuyết tự truyện nhưng do thiếu đi các yếu tố kể trên nên ít thu hút bạn đọc.

Do thực tế là tự truyện nên các tác phẩm đa số là sáng tác đầu tay của tác giả và cũng rất khó để họ có sáng tác khác khi vốn tư liệu đã sử dụng hết. Thế nhưng, những tác phẩm trên lại là nguồn tài liệu quan trọng cho các sáng tác khác, có thể là các tiểu thuyết về cùng thời kỳ hay những sáng tác nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu. Ở góc độ thị trường sách văn học, các tác phẩm trên được đánh giá như một dạng sách lịch sử, tái hiện những thời kỳ đã qua ở một góc hẹp nhưng chân thật, chi tiết nhất.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục