Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã liên tiếp công bố các chính sách cải cách nhằm ngăn ngừa “hiệu ứng dây chuyền” về khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ngày 17-6 công bố những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống điều phối tài chính của nước này theo hướng giải tán Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) và trao nhiều quyền hạn mới cho Ngân hàng Trung ương (BoE).
Tin cho biết, kế hoạch mới sẽ chấm dứt hoạt động của hệ thống điều phối ba bên do chính phủ tiền nhiệm thành lập năm 1997, gồm BoE, FSA và Bộ Tài chính. Thay vào đó, quyền lực điều phối sẽ tập trung vào BoE. Bên cạnh nhiệm vụ giám sát sự lành mạnh của toàn bộ nền kinh tế, BoE sẽ được giao nhiệm vụ giám sát các thể chế cho vay, công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua.
Tại Pháp, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân, Chính phủ Pháp đưa ra kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó, từ nay đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp sẽ được nâng lên 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi. Bên cạnh đó, Pháp sẽ tăng hoặc áp đặt một số khoản thuế mới, được coi là thuế đánh vào người giàu như thuế chứng khoán, thuế lợi tức và thuế thu nhập...
V.A.