Giải pháp thoát hạn hán

Morocco, một quốc gia Bắc Phi với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, đang đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng trong hơn một thập niên, khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu nông dân.

Nhà máy khử mặn Chtouka Ait Baha ở vùng Souss-Massa, Morocco. Ảnh: Haibapress
Nhà máy khử mặn Chtouka Ait Baha ở vùng Souss-Massa, Morocco. Ảnh: Haibapress

Nông nghiệp chiếm khoảng 13% GDP của Morocco và sử dụng hơn 40% lực lượng lao động, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các loại cây trồng như lúa mì, ô liu, và cây ăn quả là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, do lượng mưa giảm mạnh, các hồ chứa cạn kiệt và nhiệt độ tăng cao đã khiến nguồn nước tưới tiêu trở nên khan hiếm, đặc biệt ở các khu vực như đồng bằng Souss-Massa và vùng Marrakech-Safi. Trong bối cảnh này, khử mặn nước biển nổi lên như một giải pháp mang tính đột phá, giúp cung cấp nguồn nước bền vững cho nông nghiệp và đảm bảo cung cấp nước uống cho dân cư.

Công nghệ khử mặn, chủ yếu dựa trên quá trình thẩm thấu ngược, loại bỏ muối và các tạp chất từ nước biển, tạo ra nước ngọt phù hợp cho tưới tiêu và sử dụng sinh hoạt. Morocco đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ này, với mục tiêu biến nước biển thành nguồn tài nguyên chiến lược để ứng phó với hạn hán. Từ năm 2020, Chính phủ Morocco đã triển khai chương trình quốc gia về nước với kế hoạch xây dựng và mở rộng các nhà máy khử mặn, trong đó nổi bật là Nhà máy khử mặn Chtouka Ait Baha ở vùng Souss-Massa, một trong những nhà máy lớn nhất châu Phi. Nhà máy này, với công suất 275.000m³ nước ngọt mỗi ngày, cung cấp nước tưới cho hơn 15.000ha đất nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất các loại cây trồng xuất khẩu như cam, chanh và cà chua.

Theo Bộ Thủy lợi Morocco, đến năm 2030, quốc gia này đặt mục tiêu xây dựng thêm 9 nhà máy khử mặn mới, với tổng công suất hơn 1,3 tỷ m3 nước mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 1 triệu ha đất canh tác lúa mì và các loại cây trồng khác. Các nhà máy này không chỉ cung cấp nước cho nông nghiệp mà còn giải phóng nước từ các con đập để sử dụng cho các mục đích khác, tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước khan hiếm. Công nghệ thẩm thấu ngược, được sử dụng trong hầu hết các nhà máy khử mặn ở Morocco, hoạt động bằng cách đẩy nước biển qua màng bán thấm dưới áp suất cao, giữ lại muối và khoáng chất. Quá trình này tuy hiệu quả nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến chi phí vận hành cao, khoảng 0,5USD/m3 nước ngọt theo các nghiên cứu gần đây.

Để giải quyết vấn đề này, Morocco đang tích hợp năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt trời, vào các nhà máy khử mặn để giảm chi phí và tác động môi trường. Tuy nhiên, khử mặn nước biển cũng đặt ra nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là xử lý nước muối thải, vốn có nồng độ muối cao gấp đôi nước biển và có thể gây hại cho hệ sinh thái biển nếu xả trực tiếp ra đại dương. Các chuyên gia từ Đại học Aberdeen đã nhấn mạnh, việc xả nước muối cần được quản lý cẩn thận, tránh gần các khu vực sinh thái nhạy cảm như rạn san hô hay vùng sinh sản của cá. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho các nhà máy khử mặn rất lớn, ước tính Morocco đã chi hơn 2,37 tỷ USD cho các dự án khử mặn kể từ năm 2010. Điều này đặt ra thách thức cho một quốc gia có nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt khi nông nghiệp không phải là lĩnh vực duy nhất cần đầu tư. Dù vậy, lợi ích của khử mặn vượt trội so với các giải pháp thay thế như nhập khẩu nước, hay phụ thuộc vào nguồn nước ngầm đang cạn kiệt.

Tin cùng chuyên mục