Hôm qua, 25-11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và cùng với các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho nông dân vượt khó.
Nỗi lo thất nghiệp
Theo Bộ NN-PTNT, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ từ giữa tháng 9-2008 và từ đó cho đến nay, hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu đều có số lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm và thủy sản của tháng 11-2008 ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm gần 32% so với tháng 7-2008 (tháng đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục với 1,75 tỷ USD).
Khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã dẫn đến tình trạng làm giảm giá quá nhanh đối với một số vật tư nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp, làm cho không ít doanh nghiệp đã nhập hoặc ký hợp đồng nhập một khối lượng lớn vật tư phân bón trước đó bị lỗ nặng. Tình trạng này sẽ tác động đến hoạt động nhập khẩu phân bón trong thời gian từ nay đến tháng 3-2009 và có thể gây thiếu hụt phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Đặc biệt, hiện nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới và ở các nước láng giềng đang giảm giá mạnh và tiếp tục giảm trong năm 2009. Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu như đưa ra hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch, thuế suất… thì nhiều loại nông sản sẽ tràn vào nước ta, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Trong khi đó, do cầu giảm nên thị trường tiêu thụ của các mặt hàng nông sản trong nước đều bị co hẹp, ứ đọng, càng làm cho giá lúa gạo, cà phê, cao su… giảm nhanh, không kích thích nông dân sản xuất. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nông dân và các doanh nghiệp hiện vẫn còn tồn đọng khá nhiều lúa hàng hóa. Nhiều hộ trồng cao su tiểu điền, nuôi cá tra, tôm… cũng đang rất khó khăn. Hàng hóa không tiêu thụ được, cả nông dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn cho sản xuất vụ tới.
Theo dự báo của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT), trong năm 2009 giá các loại nông sản như lúa, cà phê và cao su sẽ còn giảm nữa. Đồng thời, không chỉ rau củ quả Trung Quốc mà có thể cả sản phẩm chăn nuôi của Trung Quốc cũng sẽ tràn vào nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, suy giảm kinh tế hiện đang kéo theo một hậu quả rất đáng lo ngại là tác động rõ rệt đến việc làm và thu nhập của không ít người nông dân và cả lao động ở nông thôn đang mưu sinh bằng các hoạt động phi nông nghiệp ở các khu đô thị, khu công nghiệp…
Cách nào “cứu” thị trường nông sản?
Để “cứu” thị trường nông sản, giúp nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trong nước, Bộ NN-PTNT đã đưa ra một loạt giải pháp. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh đến việc trước tình hình giá các mặt hàng nông sản đều xuống như hiện nay buộc chúng ta phải tính toán việc có nên đầu tư thâm canh hay không và phải quy hoạch lại sản xuất đối với từng cây, con cụ thể.
Chẳng hạn tôm sú sẽ phải cắt giảm số lượng. Hoặc như cà phê đến tháng 2-2009 là bắt đầu vụ gieo trồng mới. Phải giúp nông dân tính toán kỹ và thận trọng việc đầu tư lớn vào cà phê nhưng giá vẫn đi xuống. Để đẩy mạnh về xuất khẩu, buộc phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong nước.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, tình hình giá cả, thị trường trong và ngoài nước nhằm phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững thị trường hiện có và mở thêm các thị trường mới, tránh việc thụ động, phụ thuộc vào những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…
TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, để ổn định và bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước trước hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì cần đặc biệt đẩy mạnh kiểm dịch thực phẩm, kiểm tra vật tư nông sản, tạo hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các loại nông sản từ nước ngoài tràn vào nội địa, gây thêm khó khăn cho người nông dân
VĂN PHÚC HẬU
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT LƯƠNG LÊ PHƯƠNG: Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất Chính phủ có nguồn vốn để “giải cứu” cuộc khủng hoảng nông nghiệp trong thời gian tới, đối tượng tập trung là các doanh nghiệp. Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện chính sách phân loại đối tượng cho vay, ưu tiên đối tượng xuất khẩu để nhằm giảm tình trạng nhập siêu. Đồng thời áp dụng chính sách khoanh nợ đối với những người đã chịu lãi suất cao và cho vay lại với lãi suất thực tế thấp hơn. Bộ NN-PTNT cũng sẽ đưa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Thời gian tới, bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, tập trung kiểm tra 4 mặt hàng, gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, bộ cũng sẽ cùng với cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp xử lý những đối tượng chuyên bán và sản xuất các sản phẩm có hại đối với sức khỏe con người đã được vận chuyển và tiêu thụ tại Việt Nam. P.VĂN |