Trong cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Anh ngày 11-8, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố áp dụng hàng loạt biện pháp xử lý bạo loạn. Mức thiệt hại ước tính đã lên đến 100 triệu bảng, 5 người chết, hàng chục người bị thương sau các vụ bạo loạn. Và nước Anh đang nỗ lực giành lại niềm tin của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, khôi phục hình ảnh thủ đô Luân Đôn, khi chỉ còn một năm nữa diễn ra Thế vận hội Olympic tại đây.
Các biện pháp cứng rắn
Cuộc họp đã đi đến quyết định dùng tất cả các biện pháp cứng rắn, kể cả đưa quân đội trấn áp bạo loạn. Cảnh sát có thể sử dụng vòi rồng và đạn cao su để đối phó với những nhóm người quá khích. Thậm chí, cảnh sát có quyền cưỡng chế người gây bạo loạn, nếu cần thiết chính phủ cũng xem xét khả năng áp đặt thiết quân luật. Đây là cách thức cứng rắn Chính phủ Anh sử dụng nhằm ngăn chặn tình trạng bạo loạn lan sang các thành phố khác. Đến nay, cảnh sát đã bắt hơn 1.100 người tham gia gây bạo loạn, kết án tù giam 10-16 tuần với một số người. Đối tượng nhỏ nhất trong số này là một em gái 11 tuổi.
Thủ tướng Anh khẳng định sẽ hỗ trợ tài lực cần thiết để lực lượng cảnh sát và quân đội thực thi nhiệm vụ đặc biệt này. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May cho rằng lực lượng cảnh sát được triển khai không đủ ứng phó với hàng loạt phần tử bạo loạn, những đối tượng vô cùng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, những lý lẽ này không thể khiến chính phủ cân nhắc lại kế hoạch cắt giảm 3,4 tỷ USD trong chính sách thắt lưng buộc bụng bằng cách sa thải hàng loạt nhân viên cảnh sát. Điều mà ông David Cameron đang hướng đến là tận dụng tối đa nguồn lực cảnh sát hiện có để bảo đảm trấn áp người gây bạo loạn. 16.000 cảnh sát sẽ được triển khai thêm để thực hiện nhiệm vụ.
Tình hình Luân Đôn ngày 12-8 đã tạm lắng dịu. Ngoài vài vụ xô xát nhỏ, không có vụ đốt phá, cướp bóc nào xảy ra thêm. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai đến Luân Đôn, Manchester, Liverpool và Birmingham.
Lấy lại lòng tin
Chủ các cửa hiệu bị phá hoại vô cùng căm phẫn, tỏ thái độ giận dữ: “Họ ngang nhiên tấn công cửa hiệu tôi, dù cảnh sát chỉ đứng cách đó 50m”. Bạo loạn đã gây tổn thương sâu sắc đến người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng. Những kẻ nổi loạn không chỉ đập phá xe cảnh sát, mà còn đốt phá nhiều tòa nhà, nhiều cửa hàng, cửa hiệu, đốt xe buýt và ô tô của người dân. Đi kèm là những vụ hôi của khiến người dân Anh vô cùng bất ngờ và xấu hổ, vì điều này chưa từng có ở đây trong 30 năm qua.
Về trách nhiệm bồi thường, theo quy định, các doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại về tài sản có thể thanh toán với công ty bảo hiểm nếu họ có mua bảo hiểm, hoặc đòi đền bù từ lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng có quyền đòi lực lượng cảnh sát phải thanh toán số tiền họ phải đền bù. Đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Anh. Đạo luật Bạo loạn (Riots Act) năm 1998 của Anh quy định, lực lượng cảnh sát địa phương sẽ phải bồi thường những thiệt hại do các hoạt động bạo loạn, bất ổn gây ra. Cảnh sát Anh hiện không có nguồn quỹ cụ thể nào để chi trả trong các tình huống khẩn cấp như vậy. Để trấn an dư luận, Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết chính phủ sẽ bồi thường cho bất cứ ai bị thiệt hại trong những ngày bạo loạn vừa qua đồng thời hỗ trợ ngành bảo hiểm 200 triệu bảng sau đợt bạo loạn này. Ước tính, mức thiệt hại trong những ngày qua lên đến 100 triệu bảng (khoảng 170 triệu USD), đó là chưa kể những thiệt hại do gián đoạn kinh doanh.
Ngay khi biểu tình dẫn đến bạo loạn bùng phát tối 6-8, truyền thông Anh đã cáo buộc các mạng xã hội như Facebook, Twitter, dịch vụ nhắn tin BlackBerry Messenger (BBM)… là công cụ truyền thông, kích động bạo loạn ở Anh. Vì thế, song song với việc sử dụng biện pháp cứng rắn, Thủ tướng Anh yêu cầu cảnh sát trực tiếp can thiệp, chặn những tài khoản mạng xã hội kêu gọi biểu tình. Thậm chí, nếu cần thiết, chính phủ sẽ làm việc với lực lượng cảnh sát, cơ quan tình báo để tạm thời cấm truy cập những trang web trên. |
Như Quỳnh