Chúng tôi thường gọi thân mật nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (*) là anh Tư. Anh là một nhà cách mạng tiền bối. Anh sinh ra từ mảnh đất thép Củ Chi xưa thuộc tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ anh học ở Trường Pétrus Ký danh tiếng của Sài Gòn. Tham gia phong trào học sinh yêu nước của thành phố anh hùng này. Rồi ra Hà Nội học Đại học Luật. Năm 1944, hưởng ứng tinh thần “xếp bút nghiên” một phong trào của sinh viên yêu nước, anh cùng bạn bè rời mái trường luật, trong đoàn thanh niên, sinh viên về Nam bằng xe đạp. Về Sài Gòn anh làm báo Thanh niên sáng tác và biểu diễn các nhạc kịch Hội nghị Diên Hồng, cùng các đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ tham gia vào hàng ngũ Thanh niên tiền phong, tham gia khởi nghĩa tháng 8 ở Sài Gòn – Gia Định.
Hồi ấy anh là Cục phó Cục Truyền thanh thuộc Văn phòng Thủ tướng. Tôi đến Đài Tiếng nói Việt Nam với nguyện vọng xin được làm một chân phóng viên, anh niềm nở tiếp tôi, giới thiệu tôi đến Phòng Văn nghệ chỗ anh Bảo Định Giang. Nhà văn Đoàn Giỏi, cán bộ ở đây, tiếp tôi và khuyên tôi còn trẻ, với lại có trình độ gần hết tú tài nên tiếp tục học đại học. Tôi về xin phép cơ quan học thêm văn hóa, vào dự bị đại học, và năm 1958 thi đậu Khoa văn Đại học Tổng hợp.
Học xong đại học tôi được về Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Tư Tiểng giới thiệu tôi với anh Lưu Hoàng Nam, Phó phòng Tổ chức, người Cần Thơ, để đưa tôi vào Phòng Tuyên truyền miền Nam. Vì trong thời gian học đại học tôi thường viết bài cho chuyên mục này. Anh Tư Tiểng thường xuyên giúp đỡ tôi trong công tác phóng viên; anh đã trực tiếp duyệt, sửa bài rất tỉ mỉ. Chao ôi! Một nhà báo lớn như anh trong khi biết bao trọng trách với Quốc hội, với Tuyên huấn, với Hội Nhà báo và Đài TNVN mà anh đã ưu ái dành cho tôi tình cảm quý báu như chữa cho tôi về tính tư tưởng, về tính chiến đấu và văn phong từng bài báo nhỏ. Tôi rất kính phục anh, xem anh là bậc tiền bối, nhất là khi biết anh là linh hồn của nhóm Hoàng Mai Lưu từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Anh kể cho tôi nhóm Hoàng Mai Lưu là tên được ghép từ ba họ của bộ ba: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước. Đây cũng là sáng kiến của anh khi ba thanh niên yêu nước, cùng chí hướng đứng ra thành lập nhà xuất bản với mục đích phổ biến những ca khúc và các vở kịch kêu gọi và cổ vũ tinh thần yêu nước trong sinh viên học sinh. Trụ sở xuất bản Hoàng Mai Lưu nằm trên đường Bonard tức Lê Lợi bây giờ. Nơi đây là nhà riêng của ông Phạm Văn Lạng, thân sinh của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu.
Anh Tư Tiểng có đóng góp rất lớn cho phong trào, cùng với Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ tham gia sáng tác các kịch bản thúc giục thanh niên lên đàng. Các ca khúc: Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu ta, Ải Chi Lăng, Đoàn quân du kích, Tiếng gọi thanh niên… đã dấy lên cao trào trong học sinh, sinh viên đứng lên đáp lời sông núi! Thời kỳ này Hoàng Mai Lưu còn sáng tác Con thỏ ngọc, Tây Thi gái nước Việt…
Tôi với anh Tư Tiểng có nhiều duyên nợ với nhau. Chiến dịch mùa xuân 1975, anh đi ngang qua Đà Nẵng, gặp anh Lê Sâm, Tuyên huấn Khu ủy và anh Trương Công Huấn, phó ban, xin cho tôi vào tiếp quản Đài Truyền hình giải phóng Sài Gòn. Anh Tư là người nhiệt tình với ngành. Có hôm anh làm việc đến tờ mờ sáng… Tôi rất khâm phục tinh thần làm việc của anh, không nề hà việc lớn việc nhỏ, cùng các anh Lý Văn Sáu, Trần Vĩnh An, Đặng Trung Hiếu, Trần Vĩnh Thuận từng giờ lo cho việc phát sóng an toàn và sinh động.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mong dưới suối vàng anh Tư mỉm cười vì trên cõi đời này nhiều người thương anh, học tập gương sáng của anh.
-------------------------------------------
(*) - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
- Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ từ 1945.
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam.
- Tổng Giám đốc HTV.
ĐOÀN MINH TUẤN