Anh Văn chơi đàn

Cuối xuân năm 1957, tôi và cô bạn gái Ngọc Diệp được cấp trên cử vào văn phòng Bộ Tổng tham mưu huấn luyện quốc tế vũ cho các thủ trưởng và anh chị em trong cơ quan. Anh Hồ Sỹ Ngận dẫn hai chúng tôi vào hội trường. Anh Ngận giới thiệu cho chúng tôi, người thấp đậm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh nói: Bác Hồ thường gọi anh ấy là chú Văn nên chúng ta cứ gọi là anh Văn vì đây là cuộc sinh hoạt câu lạc bộ không phải hô chức danh vừa dài lại không tiện. Anh Hồ Sỹ Ngận nhấn mạnh “nhớ đấy!”.
Anh Văn chơi đàn

Cuối xuân năm 1957, tôi và cô bạn gái Ngọc Diệp được cấp trên cử vào văn phòng Bộ Tổng tham mưu huấn luyện quốc tế vũ cho các thủ trưởng và anh chị em trong cơ quan. Anh Hồ Sỹ Ngận dẫn hai chúng tôi vào hội trường. Anh Ngận giới thiệu cho chúng tôi, người thấp đậm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh nói: Bác Hồ thường gọi anh ấy là chú Văn nên chúng ta cứ gọi là anh Văn vì đây là cuộc sinh hoạt câu lạc bộ không phải hô chức danh vừa dài lại không tiện. Anh Hồ Sỹ Ngận nhấn mạnh “nhớ đấy!”.

Phút thư giãn bên đàn piano.

Phút thư giãn bên đàn piano.

Anh Văn rất chịu khó. Có lúc mệt, vã mồ hôi, chân bước hơi nặng, chị Hà vợ anh vội rút mùi xoa lau mồ hôi cho chồng. Vừa được ba hôm thì tôi được anh Đỗ Nhuận báo tin “Tuế được chọn vào đội múa đi dự Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ VI tại Mạc Tư Khoa, đồng thời thăm và biểu diễn bốn nước Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô và Trung Quốc”. Trên xe lửa Hà Nội – Bắc Kinh, anh Võ Hường Cương, Cục phó Cục Tuyên huấn làm trưởng đoàn, triệu tập cấp ủy hội ý: Cấp trên yêu cầu ta chọn một diễn viên piano để làm nhiệm vụ đặc biệt. Trong văn công toàn quân chỉ có ba đồng chí, một ở quân khu, một đang đàn cho lớp tập huấn múa, người thứ ba là Hồng Hạnh của đoàn (Hồng Hạnh là vợ nhà văn Đào Vũ).

Khi đoàn đang biểu diễn ở Triều Tiên, Hồng Hạnh được lệnh quay về Hà Nội, phần do hoàn cảnh gia đình, phần đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ trở về, Hồng Hạnh vui vẻ báo cáo với lãnh đạo đoàn: “Thế là em đã huấn luyện piano cho anh Văn được hơn tháng rồi. Anh Văn tập ít nhưng hỏi nhiều, rất cặn kẽ, anh Văn bảo, tôi đã xem kỹ methode (phương pháp) rồi, cô giúp tôi cách nào học đàn nhanh nhất? Đấy là ý tôi, còn cô làm cách nào thì tùy, không nên băn khoăn làm gì…”. Sáu tháng sau, anh Văn đã tự vỡ bài, gồm một số trích đoạn của các nhà soạn nhạc trên thế giới và đương nhiên là có cả những bản dân ca của Việt Nam.

Trong thời gian tôi làm công tác phụ trách Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, anh Văn có thời gian gần gũi đoàn, vì có nhiều đoàn khách nước ngoài vào thăm ta, những lần như thế, anh Văn đều nhắc nhở đoàn phải có chương trình nghệ thuật phục vụ khách nhằm giới thiệu hình ảnh dân tộc và phải giới thiệu những tác phẩm đậm đà màu sắc của người lính nhân dân! Có lần tôi mang chương trình đến báo cáo anh Văn, anh thấy thiếu điệu múa sạp, anh yêu cầu phải xác định cho anh chị em đừng nghĩ múa sạp là cũ! “Cũ là cũ với tôi, nhưng nó luôn mới với khách quốc tế!”. Khi tôi được cấp trên điều ra công tác ở Bộ Văn hóa phụ trách công ty biểu diễn, có quan hệ với các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, đặc biệt là việc tổ chức biểu diễn cho nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Nhớ đến anh Văn là vị tướng số một yêu thích piano, tôi đến kính mời anh đi xem đêm diễn đặc biệt của nghệ sĩ piano đã đoạt giải nhất thế giới trong cuộc thi mang tên Sô-panh.

Anh Văn bảo: “Thế cậu cho tôi ngồi phía thuận tiện để có thể nhìn rõ tay đàn của Sơn”. Khi đến đón anh Văn, tôi mời luôn một số văn nghệ sĩ: Nguyễn Đức Mậu, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa… đủ chỗ ngồi trên chiếc Gas 69 của Liên Xô cùng tôi đến đón anh Văn. Không may, xe của tôi bị hỏng ở ngay trong sân nhà anh. Lúng túng quá, tôi đành xin lỗi để xe anh đi trước ra Nhà hát lớn. Đến cửa Nhà hát lớn, anh Văn nhất quyết giữ nguyên tắc phải chờ tôi, mặc dù các đồng chí bảo vệ nhà hát đã sẵn sàng ra đón. Xem xong, anh Văn bảo tôi: “Vội quá tôi không kịp mua hoa tặng Sơn. Ngày mai cậu mua hoa giùm tôi và nhờ anh Chu Phác – Cục trưởng Cục Nhà trường chuyển hoa giúp tôi đến Sơn”.

Anh Văn là Đại tướng, anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh còn là bạn thân thiết của các tướng lĩnh, của các chiến sĩ. Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói: “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tiết kiệm từng giọt máu của chiến sĩ!”. Những điều đó đã cắt nghĩa tại sao một đất nước nghèo, cùng cực nghèo đã chiến thắng những đội quân hung hãn nhất hoàn cầu!

Anh Văn tập đàn piano không phải ở thời bình, mà khi đó một nửa đất nước đang còn bị giặc ngoại xâm dày xéo. Từ ngoài biển quân giặc vẫn ken dày những chiến hạm, trên không luôn có lực lượng không quân rình mò, chờ thời cơ chúng sẽ hợp đồng tác chiến bao vây nhằm úp chụp lấy miền Bắc. Song anh Văn vẫn thảnh thơi tập đàn, bên cạnh anh Văn có chị Văn - Bích Hà luôn bên cạnh tâm đắc cổ vũ cho anh tập đàn. Có nhiều khi đôi tay của anh Văn nhẹ lướt trên cung đàn trầm bổng của nhiều cung bậc của những triết gia âm nhạc thế giới, chị Hà cũng thắc mắc tại sao anh còn cặm cụi luyện những bài hành khúc khô khan ấy để làm gì?... Câu hỏi của chị Hà đã được giải đáp khi anh Văn biểu diễn rất thành công một ca khúc kêu gọi tình đoàn kết của nhân loại “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh” để phục vụ theo yêu cầu của Bác Hồ. Sự kiện gây xúc động nơi con tim của Bác. Sự kiện này đã được nhà văn Đào Vũ nhanh chóng công bố trên báo Văn nghệ. Thế là anh Văn đã trở thành một pianist, một người chơi đàn thật tuyệt vời…

Khắc Tuế (Nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc quân đội)

Thông tin liên quan

>> Võ Nguyên Giáp - Một hiện tượng chưa từng có!

>> Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  

Tin cùng chuyên mục