Hôm nay 1-10, cả nước sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp (DN). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mới được quy định cao nhất là 2 triệu đồng/tháng (vùng 1) và thấp nhất là 1,4 triệu đồng/tháng (vùng 4). Tuy nhiên, đến ngày hôm qua 30-9, tại TPHCM, Bộ LĐTB-XH mới tổ chức hội nghị triển khai cho các địa phương thực hiện.
Không cắt phụ cấp
Để triển khai áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1-10, Bộ LĐTB-XH đã ban hành Thông tư 23, hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 70 của Chính phủ. Theo đó, có 4 vùng 1-2-3-4 tương ứng với mức lương tối thiểu 2 - 1,78 - 1,55 - 1,4 triệu đồng/tháng. Đây là cơ sở để DN và người lao động (NLĐ) thỏa thuận trả lương. Đối với NLĐ đã qua học nghề, phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định. Đối với DN đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để xem xét, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác đối với NLĐ cho phù hợp.
Theo ông Tống Văn Lai, Trưởng phòng tiền lương (Vụ Lao động - Tiền công - Tiền lương, Bộ LĐTB-XH), đối với DN chưa xây dựng thang lương, bảng lương, căn cứ mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định để tính các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của DN nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc theo pháp luật lao động quy định… Điểm đáng chú ý trong Thông tư 23 là các DN khi áp dụng mức lương cơ bản mới không được xóa bỏ hoặc cắt giảm tiền lương khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Trước ý kiến thắc mắc về Thông tư 23 nêu thời điểm thông tư có hiệu lực là ngày 31-10, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân khẳng định, thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu là 1-10 theo Nghị định 70 của Chính phủ và thời điểm áp dụng này cũng được ghi rõ trong thông tư. Việc ban hành thông tư hướng dẫn và triển khai thực hiện chậm là lỗi của Bộ LĐTB-XH.
Tiếp tục chật vật
Tại TPHCM, trừ huyện Cần Giờ, các quận, huyện còn lại đều được áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1, tức 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù so với mức cũ, mức lương tối thiểu mới tăng từ 450.000 – 650.000 đồng/tháng (tùy DN trong hay ngoài nước) nhưng do mức lương mà hầu hết các DN hiện nay trả cho NLĐ đã cao hơn mức lương tối thiểu mới nên việc tăng lương tối thiểu không có tác động lớn đối với công nhân, bởi thu nhập của họ khó được tăng thêm.
Anh Nguyễn Công Hậu, công nhân KCN Tân Tạo cho biết, mức lương của anh đã 2,2 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản thu nhập khác cũng gần 3 triệu đồng/tháng. Vợ anh cũng là công nhân cùng công ty. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng anh gần 6 triệu đồng/tháng. Theo anh Hậu, với thu nhập trên, gia đình anh đã rất khó khăn trong cuộc sống, huống chi với mức lương 2 triệu đồng/tháng.
“Mỗi tháng trả hết 1,4 triệu đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước hơn 200.000 đồng; điện thoại, xăng xe 2 người ít nhất cũng mất 500.000 đồng, tiền trường cho 2 con hết 1,2 triệu đồng, rồi tiền ăn cho cả nhà cũng mất ít nhất 50.000 đồng/ngày, rồi tiền sữa, tiền hiếu hỉ… Phải tằn tiện chi tiêu lắm may ra đủ. Đó là chưa tính đến chuyện con cái ốm đau hay thỉnh thoảng gửi về phụ bố mẹ già…”, anh Hậu giãi bày. Theo anh Hậu, đợt tăng lương tối thiểu này không làm thu nhập của anh tăng thêm vì mức lương tối thiểu công ty trả đã cao hơn mức quy định. Anh cho biết: “Thu nhập không tăng thêm nhưng mấy bà ngoài chợ đã bắt đầu rục rịch tăng giá vì… tăng lương”.
Còn chị Nguyễn Thị Sen, công nhân KCX Tân Thuận khẳng định, với mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng, đời sống công nhân khó có thể cải thiện. “Nếu tụi em không tăng ca, làm thêm thì với mức 2 triệu đồng/tháng không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu. Bởi với công nhân độc thân đã khó sống huống hồ là những người đã có gia đình. Trong khi đó, giá các mặt hàng sinh hoạt thì tăng chóng mặt. Với công nhân, vấn đề quan tâm hiện nay không phải là tăng hay không tăng lương tối thiểu mà mong làm sao giá cả sinh hoạt bình ổn. Lạy trời đừng tăng giá!”, chị Sen than.
Hồ Thu