Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có hàng loạt vụ tai nạn giao thông liên quan đến “xe điên” gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên, điển hình là vụ “xe điên” đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm 8 người chết ở Hải Dương, “xe điên” đâm vào đoàn người viếng đám tang làm 7 người chết tại Vĩnh Phúc, “xe điên” đâm đám tang làm 4 người chết tại Quy Nhơn. Cách đây ít ngày, một chiếc “xe điên” lao qua nhiều con phố và cuối cùng đâm chết một nữ lao công trên đường phố Hà Nội.
Kết quả điều tra các vụ tai nạn liên quan đến “xe điên” cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do tài xế không tuân thủ quy tắc về lái xe an toàn, sử dụng ma túy, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ… Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng đã đặt ra vấn đề làm thế nào để tăng cường đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Một trong những giải pháp mạnh được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về công tác đảm bảo ATGT diễn ra vào ngày 24-4 là cần rà soát lại để sửa Nghị định 46 theo hướng tăng cao mức phạt đối với các vi phạm. Cụ thể, bên cạnh xử phạt hành chính, các hình thức xử phạt có thể là tịch thu phương tiện, buộc người vi phạm lao động công ích… nếu cần có thể xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên, gây bức xúc trong dư luận, phải xử lý bằng pháp luật hình sự đối với cả chủ xe, chủ doanh nghiệp khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Chỉ đạo trên được người dân kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến công tác đảm bảo trật tự ATGT hiện nay. Trước đây, chúng ta thường chú trọng tăng nặng các chế tài xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm, dùng biện pháp đánh vào kinh tế để điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, theo Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh, giải pháp đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm chỉ là thứ yếu. Thậm chí, việc tăng mạnh mức tiền xử phạt nếu không thực hiện đúng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Tình trạng “chung chi” trong xử lý các hành vi vi phạm vẫn diễn ra nhan nhản, mức phạt càng cao thì nguy cơ chung chi càng nhiều, bởi người vi phạm sẵn sàng tiếp tay cho một bộ phận người thi hành công vụ “tham nhũng vặt”. Nếu chỉ chăm chăm tìm cách tăng mức tiền phạt thì việc “cưa đôi” sẽ diễn ra nhiều hơn và khó kiểm soát. Do vậy, cần đa dạng hình thức xử phạt, nhất là đối với các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm như lái xe sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện, đi lùi hoặc đi ngược chiều trên cao tốc… Các hình thức xử phạt như tịch thu phương tiện, tước bằng lái vĩnh viễn, xử lý hình sự cả lái xe và chủ xe theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng là hết sức cần thiết. Các hình thức xử phạt này không chỉ mang tính răn đe mà còn giúp giảm thiểu, ngăn chặn việc tái phạm của những tài xế đã từng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hơn thế nữa, các hình phạt này cũng xác định đúng bản chất của vi phạm có nguồn gốc từ sự lỏng lẻo trong việc quản lý tài xế, phương tiện của các chủ doanh nghiệp để xử lý căn cơ hơn.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình rất quyết liệt, vấn đề đặt ra là thực hiện của các cơ quan chức năng ra sao. Cùng với việc tăng các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng cần có thêm các biện pháp nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, đặc biệt là đối với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Đồng thời, cần đầu tư về trang thiết bị, chế độ cho người thực thi công vụ để đảm bảo việc phát hiện, xử lý vi phạm được chính xác, minh bạch, phát hiện được sớm các hành vi vi phạm trước khi gây ra thảm họa.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cơ quan này đang chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan rà soát lại để sửa Nghị định 46 theo hướng tăng nặng các mức phạt. Cùng với đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 40 triệu đồng lên 80 triệu đồng đối với cá nhân, các đề xuất về tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước bằng lái vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có tính chất đặc biệt nguy hiểm cũng đã được đưa vào dự thảo. Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính để xác định các trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xử phạt tăng nặng.